Sáng kiến cộng đồng

View Original

Lão nông Bình Phước tự chế tạo tuabin thủy lực xanh làm thủy điện

Thủy điện nhỏ từ sông, suối là nguồn năng lượng sạch vô tận. Tuy nhiên để xây dựng nhà máy thủy điện dù nhỏ vẫn phải xây đập, hồ chứa vừa ảnh hưởng đến môi trường vừa mất nhiều kinh phí.

Từ thực tế đó, ông Ngô Văn Quýnh ở xã Đức Liễu (Bù Đăng, Bình Phước) đã tự mày mò chế tạo thành công tuabin “thủy lực xanh đa năng” (thủy điện xanh), giúp tiết kiệm nước, không cần hồ đập, không gây hại môi trường...  

Lão nông tự chế tạo tuabin

Sau nhiều lần gọi điện thoại hẹn, chúng tôi mới gặp được ông Ngô Văn Quýnh. Lão nông với khuôn mặt đen sạm vì nắng gió vui vẻ nắm tay tôi thật chặt: “Tôi mới đi Đắk Nông về để chuẩn bị hồ sơ gửi tham dự hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ IV (năm 2016-2017). Hy vọng sản phẩm tuabin thủy lực xanh đa năng của tôi sẽ có giải”.

Bên tách trà thơm, ông Quýnh cho biết sau khi rời quân ngũ, ông về quê hương Nam Định sinh sống. Đến năm 1995, gia đình ông vào tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Thời điểm đó, Đồng Nai còn nhiều rừng, dân cư thưa thớt và không điện thắp sáng. Do nhà ở gần suối, nước chảy quanh năm nên ông nghĩ đến việc chế tạo điện năng từ sức nước.

Ông Quýnh nói: “Lúc mới làm tôi gặp rất nhiều khó khăn, do không có kiến thức về làm điện từ sức nước lẫn chi phí đầu tư. Nhưng rồi được sự động viên của bạn bè, người thân nên sau nhiều lần mày mò nghiên cứu, tôi đã chế tạo thành công tuabin thủy lực xanh đa năng có công suất 20kW. Từ nguồn điện này, tôi sử dụng sinh hoạt và sản xuất - kinh doanh nước đá”.

Đến năm 2001, khu vực rừng Mã Đà giải tỏa (phục vụ tôn tạo di tích Chiến khu D), gia đình ông chuyển lên xã Đắk RMoan (TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) sinh sống. Tại đây, ông Quýnh lại tiếp tục làm thủy điện phục vụ sản xuất. Cuối năm 2002, nhà máy của ông Quýnh chính thức hoạt động với công suất 1MW (1.000kW/h) phục vụ thắp sáng cho 150 hộ dân và trụ sở UBND xã.

Tuy nhiên, năm 2011, công trình thủy điện Đắk RMoan của ông Quýnh bị hồ thủy điện Đắk RTih (Đắk Nông) nhấn chìm. Sau đó, ông lại di chuyển nhà máy phát điện của mình đặt tại xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlấp (Đắk Nông) và tại đây ông nâng công suất nhà máy lên 1,5MW (1.500kW/h) để lấy điện sinh hoạt và phục vụ xưởng sản xuất tuabin.  

Sự vượt trội của tuabin thủy lực xanh

Nhờ thiết kế sử dụng nước ít không phải xây đập lớn, hồ chứa nên vốn đầu tư công trình rất nhỏ so với công suất. Theo tính toán của ông Quýnh, để xây dựng một NM thủy điện công suất 1,5MW nếu sử dụng hệ thống tuabin thông thường phải bỏ ra hơn 30 tỷ đồng, nhưng với tuabin của ông chỉ mất 2 tỷ đồng.

Ông Quýnh phân tích, hệ thống tuabin thủy lực xanh đa năng được thiết kế theo dạng đĩa trên cơ sở cải tiến chân vịt của thuyền máy, gồm các bộ phận như vỏ, cánh quạt, lồng chứa nước...

Cánh quạt nằm trong lồng chứa nước được thiết kế đặc biệt, có thể xoay với tốc độ cực lớn khi có áp lực nước đè lên. Tuabin cũng được thiết kế để nhận nguồn nước đổ xuống cánh quạt theo phương thẳng đứng mà không cần đường ống dẫn nước từ trên cao xuống như các tuabin thủy điện thông thường.

Phần trên trục của tuabin có 3 vòng bi và được gắn vào bánh xe công tác. Bánh xe này có gắn may-ơ chặn nước, dù cột nước cao hơn 20m không phải dùng mặt gương chặn nước như các tuabin thủy điện thông thường sử dụng. Thêm vào đó, bánh xe này có nhiều cánh nhận nước, khe hở thoát nước nhỏ đỡ hao nước, vòng tua nhanh sinh công mạnh nên công suất lớn, cột nước thấp vẫn phát điện mạnh.

Mặt khác, hệ thống tuabin cũng có khả năng tạo ra khí nén đổ vào các bình chứa, sẽ được dùng để làm xoay cánh quạt trong tuabin tạo ra dòng điện vào mùa khô.

Ông Quýnh nói: “Chỉ cần cột nước cao từ 1- 8m ở sông, suối, thậm chí sóng biển là có thể sinh ra điện. Không cần giải phóng mặt bằng nhiều ảnh hưởng đến môi trường sống và sự đa dạng sinh học, thuận lợi xây dựng công trình thủy điện bậc thang gắn với thủy lợi. Đặc biệt tuabin còn làm giảm vòng quay lực ma sát, đồng thời tự động điều tốc khi đang tải điện đột ngột bị cúp và tự động đóng mở van nước với 0,5 giây”.

Từng phải di dời để có điều kiện xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa nên ông Quýnh rất trăn trở và quyết tâm dành hết phần đời còn lại nghiên cứu địa lý tự nhiên ở Bình Phước cùng công nghệ thủy điện sẵn có để cải tiến và cho ra đời nhiều sản phẩm tuabin thủy lực xanh đa năng.

Ông Quýnh nhớ lại: “Cơ duyên tôi chọn Bình Phước làm nơi dừng chân rất tình cờ. Năm 2009, trong một lần đi TPHCM, khi qua cầu Pan Toong thuộc thôn 8, xã Đức Liễu, tôi nhận thấy nơi đây rất phù hợp xây dựng nhà máy thủy điện bởi có một con suối gần đó. Sau đó, tôi gom tiền mua 6 sào đất để thực hiện sự nghiệp. Do công việc ở Đắk Nông còn nhiều nên tôi giao mảnh đất này cho con gái quản lý”.

Cuối năm 2017, ông Quýnh sẽ chuyển toàn bộ hệ thống phát điện từ Đắk Nông về Bình Phước để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nhà máy phát điện và xây dựng cơ sở sản xuất tuabin thủy lực xanh đa năng. Bởi ông cho rằng, vị trí xã Đức Liễu rất thuận lợi phát triển thủy điện xanh như gần suối, có quốc lộ 14 đi qua; còn ở xã Đắk Wer, huyện Đắk Rlấp đường sá rất khó khăn.

“Sau khi nhà máy thủy điện ở xã Đức Liễu đi vào hoạt động, tôi sẽ tiếp tục khảo sát dọc dòng sông Bé để có hướng mở rộng dòng điện này. Ngoài ra, tôi tiếp tục nghiên cứu để chế tạo ra các loại tuabin có cột nước thấp tận dụng nước từ đầu đến cuối nguồn của con suối để xây dựng công trình thủy điện xanh này”, ông Quýnh nói.

Năm 2016, ông Quýnh ký hợp đồng với DNTN Dũng Yến ở TP Điện Biên (Điện Biên) chế tạo tuabin thủy điện xanh 1MW. Đặc biệt tháng 5/2017, sản phẩm cánh quạt tuabin thủy lực được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KN- CN) cấp bằng độc quyền. Hiện ông Quýnh đã nộp toàn bộ giải pháp về tuabin thủy lực xanh đa năng để Cục này cấp bằng độc quyền.

Văn Đoàn - Báo Nông nghiệp

See this gallery in the original post