Chàng trai thiết kế bộ dụng cụ giúp người khiếm thị tự vào bếp

Từ những con dao có miếng chắn an toàn cho đến chiếc thớt có khay phụ đựng thực phẩm sau khi sơ chế cho khỏi rơi, những đồ dùng trong nhà bếp do Kevin Chiam chế tạo có thể giúp những người khiếm thị tự mình chuẩn bị một bữa ăn một cách an toàn và tự tin.

Con dao do Kevin Chiam thiết kế có miếng chắn an toàn bảo vệ phần tay của người khiếm thị khỏi lưỡi dao sắc nhọn.

Giúp người khiếm thị vào bếp an toàn

Khi làm tình nguyện viên ở Hiệp Hội người tàn tật Singapore, Kevin Chiam vô cùng bối rối khi nhìn thấy rất nhiều vết sẹo chằng chịt trên tay của một trong các thành viên của hội, bà Rosie Wong.

Khi anh phát hiện ra rằng, những người bạn bị khiếm thị khác của anh cũng mang những vết sẹo tương tự, anh đã quyết định hỏi bà Rosie Wong tại sao lại như thế. Câu trả lời của bà đã thôi thúc anh làm một việc gì đó có thể hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị.

“Khi những người khiếm thị nấu nướng, chẳng hạn như thái cà chua thôi chẳng hạn, họ rất dễ bị đứt tay”, anh Kevin Chiam, cựu sinh viên thiết kế công nghiệp, chia sẻ, “Tôi nhận ra rằng nấu ăn thực sự là một trong những công việc thách thức đối với họ. Họ sợ bị cắt phải tay, bị thương, bị bỏng bởi nước sôi hay các bề mặt nóng khác”.



Chiếc thớt có khay phụ đảm bảo thực phẩm sau khi thái không bị rơi vãi ra ngoài.

Sự cảm thông này đã thôi thúc Chiam, một sinh viên mới ra trường khi đó thiết kế một bộ dụng cụ nhà bếp, mà anh gọi là Folks dành riêng cho những người khiếm thị. Bộ dụng cụ này bao gồm dao thái, thớt vung nồi, thìa rất thân thiện với những người khiếm thị, từ đó giúp họ tự tin hơn khi có thể sống một cuộc sống bớt phụ thuộc vào người xung quanh.

Chiếc thìa gắn phao giúp người khiếm thị biết lúc nào nước đã đầy.

Ở thời điểm đó, bộ dụng cụ nhà bếp của cậu sinh viên mới ra trường đã hỗ trợ bà Rosie Wong rất nhiều trong việc tự nấu nướng, tuy nhiên, bất chấp cố gắng của Chiam, anh vẫn không thể đưa bộ sản phẩm của mình ra thị trường. Lúc ấy anh không có đủ vốn và cũng không có đủ cơ sở hạ tầng để sản xuất sản phẩm của mình trên quy mô công nghiệp. Chàng sinh viên 26 tuổi tính toán rằng mình cần ít nhất 40.000$ Singapore để sản xuất bộ sản phẩm của mình.

Anh Chiam vốn yêu thích nghệ thuật và nghề thủ công từ khi mới học tiểu học. Anh thích vẽ, thích thiết kế và sau đó quyết định theo đuổi chuyên ngành thiết kế công nghiệp ở trường đại học Temasek.

Chiam hy vọng có thể mang lại sự tự tin trong cuộc sống cho những người khiếm thị.

“Tôi nhận thấy rằng ngành thiết kế là gần gũi nhất với nghệ thuật bởi vì đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật và thu nhận thành quả cụ thể nào đó. Bạn có thể giải quyết nhiều vấn đề và bạn có thể giúp đỡ nhiều người”, anh Kevin Chiam cho biết.

Sáng kiến trao ‘quyền’ cho nhiều người

Hiện tại, Chiam là tác giả của khoảng 40 dự án, trong đó ¼ trong số này đã được tung ra thị trường.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Chiam đã giới thiệu một loạt các chương trình dành cho các tình nguyện viên chẳng hạn như giao thức ăn cho người già. Chương trình của Chiam đã chinh phục được số đông người cao tuổi ở Singapore: “Thiết kế là một công cụ rất linh hoạt có thể trao quyền cho nhiều người”, cựu sinh viên ngành thiết kế cho biết.

Và Chiam đã đưa bộ dụng cụ nấu ăn tại nhà cho người khiếm thị vào Đồ án tốt nghiệp cuối khóa của mình. “Tôi muốn thiết kế gì đó hữu ích đối với họ, và cùng lúc phải thực dụng và tác động tới cuộc sống thường nhật của họ. Thế là tôi bắt đầu trò chuyện với họ để tìm hiểu nguyện vọng”, anh Chiam kể lại.

Sau khi gặp gỡ bà Wong, bà đã giúp Chiam câu trả lời mà cậu sinh viên cuối khóa tìm kiếm bấy lâu nay. Chiam quan sát thấy rằng bà Wong mất rất nhiều thời gian và cô cùng khổ cực khi chuẩn bị 3 bữa ăn mỗi ngày cho mình. Trong khi đó, bất cứ dụng cụ trong nhà bếp nào cũng có thể trở thành vật gây thương tích đối với những người sống trong bóng tối như bà Wong. Trong đó, dao là dụng cụ thách thức nhất và dễ gây chảy máu nhất bởi người mù không thể nhìn thấy lưỡi dao và chỉ có thể sờ để cảm nhận được loại thực phẩm mà họ muốn pha nhỏ. “Đó chính là lí do một số người bạn của tôi không bao giờ nấu ăn”, bà Wong chia sẻ.

Bộ đồ nấu ăn Folks giúp bà Wong tự tin và an toàn hơn khi vào bếp nấu nướng.

Và rồi bộ dụng cụ nhà bếp 5 sản phẩm dành cho người khiếm thị ra đời từ đó. Bộ sản phẩm nổi bật nhất với con dao thái có miếng chắn an toàn bảo vệ phần tay của người dùng khỏi lưỡi dao sắc nhọn trong khi họ dùng chúng để cắt thực phẩm. Sản phẩm thứ 2 là chiếc thớt với khay phụ để không làm rơi vãi nguyên liệu, từ đó giúp người khiếm thị dễ dàng gom thực phẩm đã thái và chuyển sang nồi nấu. Tiếp theo là chiếc vung nồi chống bỏng. Một sản phẩm rất tiện khác là chiếc thìa có gắn phao nổi. Chiếc phao này sẽ giúp họ xác định được lượng chất lỏng rót vào trong ly, nhờ đó chất lỏng không bị tràn ra ngoài đồng thời tránh được những tai nạn do nước sôi tràn. Cuối cùng là chiếc kiềng cho phép nồi, xoong đúng vào vị trí và không bị đổ khi họ xào, nấu.

“Tôi nói với cậu ấy, giấc mơ của tôi là được tự tay nấu ăn cho chính mình. Bộ dụng cụ này thực sự hữu dụng và dễ sử dụng. Tôi nhận thấy, nhiều sinh viên đã viết nhiều dự án cho người khuyết tật nhưng cuối cùng những dự án ấy không thiết thực, và đều bị chìm đi. Còn với bộ sản phẩm của Chiam thì tôi có cảm giác như cuộc đời của tôi đã được giải phóng rất nhiều”, bà Wong vui mừng cho biết.

Anh Chiam chia sẻ, anh muốn theo đuổi một dòng sản phẩm giúp người khiếm thị bớt phụ thuộc vào người xung quanh bằng cách trao thêm cơ hội tự chăm sóc bản thân, cùng lúc, sản phẩm này phải hợp túi tiền với nhóm người thiệt thòi trong xã hội này.

“Khao khát nhỏ nhoi của tôi là thiết kế của tôi phải giúp đỡ được cộng đồng người khiếm thị, để họ tự tin hơn khi làm những công việc chăm sóc bản thân đơn giản. Tôi hy vọng rằng tôi có thể mang lại sự tự tin ít ỏi ấy sẽ dần dần mang lại nhuệ khí để họ không chỉ tự tin khi nấu nướng mà còn mạnh mẽ hơn trong cuộc đời của chính mình”, anh Chiam chia sẻ.


Hoài Thanh (Theo Channel NewsAsia)