Sản xuất điện từ bã mía

Với tỷ lệ 14% lượng điện được sản xuất từ nhiên liệu là bã mía – một loại cây trồng cực kỳ phổ biến, quốc đảo Mauritius đang dần thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu dầu mỏ nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất điện, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường trên đảo

Dùng bã mía giúp quốc đảo Mauritius độc lập về nguồn nhiên liệu sản xuất điện và bảo vệ môi trường đảo (Ảnh Getty).

Quốc đảo Mauritius rất khan hiếm tài nguyên thiên nhiên,vì thế họ phụ thuộc rất lớn vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu để sản xuất điện. Nhưng chính sự phụ thuộc này là nguy cơ gây nên sự bấp bênh nguồn cung điện trên đảo.

Tuy nhiên, theo trang Phys.org, quốc đảo này đang dần từng bước tiến tới một tương lai không còn “nơm nớp” lo sợ thiếu điện nữa. Hiện Mauritius đang có nhiều dự án đầu tư sản xuất điện xanh như điện như điện mặt trời, điện sức gió và thủy điện, nhưng nguồn nhiên liệu then chốt nhất để sản xuất điện trên đảo này lại là cây mía đường, loại cây hiện nay đang tạo ra một khối lượng nhiên liệu sinh khối ấn tượng, đủ để sản xuất đến 14% lượng điện tiêu thụ trên đảo.

Là một quốc đảo nhỏ nằm ở phía Tây Nam Ấn Độ Dương, cách đảo Madagascar khoảng 900km về hướng Đông, thuộc châu Phi, Mauritius sản xuất điện bằng cách đốt một loại vật liệu có tên “bagasse”, đây là sản phẩm cuối cùng của quá trình xử lý cây mía đường.

Theo trang Phys.org, các nhà sản xuất điện cũng đồng thời thu lại được CO2 từ quá trình sản xuất điện bằng bã mía và sử dụng sản phẩm này để “bổ sung gas vào các loại nước ngọt” (thức uống có gas).

Các nhà nghiên cứu đã từng cho rằng bagasse là một nhiên liệu sản xuất điện nhiều tiềm năng, nhưng Mauritius hiện nay cũng chứng minh rằng đây còn là một nguồn điện rất rẻ tiền nữa – thậm chí còn là nguồn nhiên liệu thay thế cho các loại nhiên liệu sản xuất năng lượng sạch khác.

Những sáng kiến sản xuất điện của đảo Mauritius có thể được áp dụng cho nhiều khu vực khác trên thế giới, bởi nhiều khu vực từng được mua điện hóa thạch giá rẻ hiện nay đã bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch đang giảm xuống nhanh chóng.

“Mục tiêu mà chính phủ đặt ra là tăng tỷ lệ điện từ nhiên liệu tái tạo trong tổng lượng điện trên đảo lên 35% vào năm 2025. Bởi 35% không phải là mục tiêu bất khả thi; bởi trong năm tới, chúng tôi sẽ có 11 công viên điện mặt trời và ít nhất là hai cánh đồng điện sức gió”, ông Ivan Collendavelloo, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ năng lượng của Mauritius cho biết.

Phước Anh (Theo Sciencealert)