Loại bỏ túi nilon: hành động nhỏ 'giải cứu' thế giới

Có những hành động nhỏ trong đời sống hằng ngày nhưng nếu thực hiện, bạn sẽ cắt giảm được lượng rác thải nhựa được thải ra biển mỗi năm.

Theo một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, khoảng 150 tấn rác thải nhựa đang tồn tại trên bề mặt và bên trong lòng đại dương. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi có khoảng 8 tấn rác thải nhựa được thải ra biển mỗi năm.

Như thế, đến năm 2025, cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có một tấn rác nhựa, nilon. Tới năm 2050, lượng rác thải loại này sẽ vượt trên cả lượng cá trên các đại dương.

Trước đó, theo thống kê của Ocean Conservancy (một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường của Mỹ) được đăng tải trên trang Bussiness Insider, Việt Nam nằm trong danh sách 5 quốc gia có lượng rác thải từ nhựa và nilon đổ ra biển nhiều nhất.

Chính vì thế, mỗi người cần thay đổi một vài thói quen cá nhân trong đời sống hằng ngày như một hành động góp phần cắt giảm việc sử dụng túi nilon, chai nhựa,... nhằm bảo vệ môi trường.

 
 

Nhiều quốc gia sẽ loại bỏ túi nilon

Năm 2017, Kenya đã chính thức quy việc sản xuất, sử dụng túi nilon là bất hợp pháp. Điều luật được ban hành khi cả quốc gia Kenya đang sử dụng 24 triệu chiếc túi nilon 1 tháng. Bất cứ ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 4 năm tù và phạt 38.000 USD.

Theo những đề xuất đầu năm 2018, Thủ tướng Anh Theresa May đang thúc đẩy loại bỏ hoàn toàn các chất thải nhựa có thể tránh được trên toàn nước Anh trong vòng 25 năm tới. Theo đó, các siêu thị được động viên mở những dãy hàng "không nhựa" riêng.

Tại châu Âu, chính phủ nhiều quốc gia như Luxembourg, Đan Mạch đã áp thuế vào những loại túi sử dụng 1 lần, trong khi đó các siêu thị ở Đức đang tích cực loại bỏ túi nilon, nhựa và thay thế bằng những chất liệu tái sử dụng bền hơn.

Phương Thanh - Báo Tuổi trẻ

Bài gốc