Cô kỹ sư nói không với mỹ phẩm nhưng lại mê bùn, rác thải

Không xài son môi hay mỹ phẩm lại thích làm bạn với bùn thải, rác..., Linh từng bị cha mẹ cực lực phản đối. Thế nhưng, cô gái bé nhỏ này vẫn ngày đêm cần mẫn thực hiện những dự án cho cuộc sống xanh hơn.

Với vẻ bề ngoài chân phương, giản dị, Trương Bội Linh đã trải lòng với phóng viên Tạp chí Khám phá về tình yêu môi trường, những quan điểm về giáo dục môi trường hiện nay và quan trọng hơn cả là những nghiên cứu của cô cùng đồng sự để môi trường được xanh hơn.

Bố mẹ ngỡ ngàng khi con gái mang bùn thải, phân... về nhà

Linh sớm bộc lộ tình yêu môi trường từ khi còn là học sinh cấp 3. Tình yêu đó đến từ những câu chuyện hết sức đời thường, dễ thương. Khi tham gia các hoạt động của nhà trường, Linh đóng vai là cây xanh bị chặt phá. Cô viết lên những dòng cảm xúc của mình khi bị con người ngược đãi bằng những câu chuyện về môi trường được nhân cách hóa. Những câu chuyện đó lay động các bạn học sinh trong trường.

Những thước phim về động vật hoang dã cuốn hút Linh. Rồi cảnh con người tàn sát động vật như voi, cọp đã khiến khóe mắt của Linh đỏ hoe, nhòe nước.

Từ đó, Linh tự nhủ với bản thân mình sẽ không bao giờ cưỡi voi tại các khu du lịch. Vì Linh hiểu rằng, để có được sự phục vụ này, những chú voi hoang dã sẽ phải chịu nhiều đau đớn từ người huấn luyện.

Linh có cơ hội đến thăm Hồ Tây tại Hà Nội. Những ngày đầu, cô thích không khí tại đây vì có nhiều cây xanh và các loài cá. Nhưng khi đến những khu dân cư, Linh lại rất buồn. Rác bắt đầu xuất hiện xung quanh bờ hồ, có rất nhiều túi ni lông và chai lọ.

“Tạo hóa ban tặng cho con người nhiều cảnh quan đẹp như vậy, nhưng ở nhiều nơi, nhiều chỗ, con người lại không biết trân trọng điều đó. Tại sao con người lại không thể sống hòa hợp với thiên nhiên”- Linh tâm niệm.

Tình yêu môi trường của Linh lớn dần, lớn dần đến khi cô gái này quyết định bước chân và dấn thân vào nó khi trúng tuyển vào ngành Cử nhân khoa học môi trường, ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM).

Thế nhưng, tình yêu đó lại gặp phải sự ngăn cản từ phía gia đình cô.

Lúc vào ĐH, cha mẹ Linh cứ nghĩ con gái mình sẽ trở thành một cán bộ quản lý môi trường sau khi tốt nghiệp với công việc hành chính nhẹ nhàng. Nhưng những suy nghĩ đó của họ hoàn toàn trái ngược với những hình ảnh mà họ nhìn thấy ở con gái mình.

Linh bắt đầu thức khuya, dậy sớm đến trường làm việc ở phòng thí nghiệm. Cô mang bùn thải, phân về nhà làm thí nghiệm khiến phụ huynh hết sức ngỡ ngàng.

Không những thế, ‘nhan sắc’ của Linh cũng ít nhiều bị ảnh hưởng từ những lần ‘đánh vật’ với các mẫu vật ở phòng thí nghiệm. Dù bố mẹ tỏ thái độ không đồng ý, nhưng Linh vẫn quyết tâm theo đuổi. Linh tin rằng, những giải pháp của mình sẽ có ngày gặt hái được quả ngọt.

Máy đùn nhựa và đổi rác lấy quà

Linh dùng những kết quả nghiên cứu của mình để tạo ra những lợi ích cho cộng đồng, cũng như giáo dục cho người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.

Chiếc máy đùn nhựa là một trong những sản phẩm như vậy. Với sự hỗ trợ của Karl, một kỹ sư môi trường từ Đức, Linh và các thành viên nhóm đã tạo ra chiếc máy nghiền và đùn nhựa.

Chiếc máy này tái chế các sản phẩm nhựa IBS (nhựa từ vỏ các thiết bị điện tử), tạo thành các sợi nhựa làm nguyên liệu đầu vào cho máy in 3D.

Linh và các thành viên trong dự án “Máy đùn nhựa”.

Linh và các thành viên trong dự án “Máy đùn nhựa”.

Linh và các đồng sự chế tạo sản phẩm tại sự kiện Hội nghị mạng lưới các Fablab Châu Á lần 4 (FAN4) được tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Linh và các đồng sự chế tạo sản phẩm tại sự kiện Hội nghị mạng lưới các Fablab Châu Á lần 4 (FAN4) được tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Để giáo dục cũng như nâng cao ý thức của người dân về tái chế nhựa, Linh đã nghĩ ra giải pháp “đổi quà”. Khi tham gia vào chương trình này, những vỏ từ sản phẩm nhựa của các thiết bị điện tử khi mang đến điểm tiếp nhận sẽ được đổi những phần quà ý nghĩa như tập, sách, vở, bút viết và các nhu yếu phẩm khác.

Linh đã vận động nhà trường, tài trợ quà tặng và đã được đồng ý. Ngày hội Sống xanh do Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM tổ chức mới đây, gian hàng của trường ĐH Nguyễn Tất Thành rất đắt hàng khi nhiều người dân đến đổi quà. Cùng với đó, Linh tranh thủ tuyên truyền luôn về những lợi ích thiết thực của việc sử dụng các sản phẩm tái chế để bảo vệ môi trường.

Chiếc máy đùn nhựa sẽ được nhóm đưa vào chương trình giảng dạy nhằm gợi mở cho các bạn sinh viên về nghiên cứu khoa học trong vấn đề môi trường.

Linh kể, thời gian ở phòng thí nghiệm khi còn là sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành còn nhiều hơn thời gian cô ở nhà.

Linh kể, thời gian ở phòng thí nghiệm khi còn là sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành còn nhiều hơn thời gian cô ở nhà.

Hiện tại các thành viên trong nhóm đang biên soạn chương trình và sẽ ra mắt trong các tiết học của sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành trong thời gian tới. Tiếp theo nhóm có thể phổ biến chương trình đến các địa phương và các trường học khác.

Với Linh, kỉ niệm đáng nhớ nhất khi làm các dự án về môi trường là chuyện xảy ra khi vào một cửa hàng ăn đồ Thái Lan. Trên lưng áo của Linh in dòng chữ ngắn gọn “Zero waste to nature - Không xả thải ra thiên nhiên”. Chiếc áo đó Linh mặc khi tham gia một sự kiện về môi trường trước đó.

Bà chủ tiệm đồ ăn tỏ ra rất thích thú với câu khẩu hiệu trên áo Linh. Bà hỏi Linh làm thế nào để hạn chế việc xả thải đồ nhựa trong quán mình. Linh bắt đầu chia sẻ về những địa điểm mua ống hút bằng cỏ, sả, tre… Kể từ đó, cửa tiệm đã không còn sử dụng ống hút nhựa.

“Nhiều người họ không có động lực thay đổi hoặc không biết cách để thay đổi. Chỉ với một chiếc áo hay một câu khẩu hiệu cũng như tiếp thêm cho họ động lực để thay đổi”- Linh kể.

"Sao mày cứ cầm rác trên tay mà không vứt đi? Ngu vậy!"

Đó là câu quát của một phụ huynh với con mình mà Linh từng chứng kiến. Câu chuyện đó khiến Linh nhận ra, ý thức về bảo vệ môi trường của nhiều người dân hiện nay còn nhiều hạn chế.

“Đây có thể là nguyên nhân, nhiều ống cống của TP.HCM hiện nay ngập rác thải sinh hoạt, gây tắc nghẽn dòng chảy mỗi khi mưa lớn. Xem những hình ảnh, video trên các tờ báo mới đây, mình cảm thấy rất thương các công nhân rác. Nếu người dân có ý thức hơn với rác thì công nhân dọn rác cũng đỡ vất vả hơn”- Linh chia sẻ.

Cô gái này cho rằng, nếu việc giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường được thực hiện ở bậc học mầm non, tiểu học thì khi lớn lên, ý thức của các em sẽ tốt hơn. Cũng có thể, nhận thức này sẽ làm lan tỏa đến những phụ huynh.

“Bảo vệ môi trường nhiều người nghĩ đến những chuyện to tát, khó thực hiện nhưng nếu chúng ta sống xanh từng ngày bằng những việc làm nhỏ như vậy thì thiên nhiên sẽ xanh hơn, cuộc sống con người trở nên hạnh phúc hơn”- Linh nói.

Chia sẻ về những kế hoạch trong tương lai của mình, Linh nói sẽ dốc sức “cày” tiếng Anh để xin các suất học bổng du học. Mục tiêu của Linh là Đài Loan hoặc các nước Châu u, nơi việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong các vấn đề về môi trường rất đáng được học hỏi.

“Một ngày nào đó, mình sẽ trở về, tiếp tục phát triển các dự án đang làm để có thể mang đến cho xã hội những giá trị thiết thực hơn, rộng rãi hơn”- Linh nói.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc