Người Rumani đáp trả khi bị Dior ‘đạo’ trang phục

Bạn sẽ làm gì khi phát hiện một hãng thời trang hàng đầu thế giới ‘đạo’ trang phục truyền thống dân tộc mình và bán ra không một lời xin phép?

Kiện!

Được thôi, nhưng những người dân Rumani có cách hay hơn nhiều.

Năm ngoái, hãng thời trang nổi tiếng Dior tung ra bộ sưu tập Pre-fall 2017. Rất nhanh chóng, những người Rumanin nhận ra một số mẫu thiết kế trong đó vô cùng giống với chiếc áo thêu dân gian ở vùng Bihor của Rumani.

dior-copy-traditional-romanian-design-clothes-21.jpg

Chiếc áo mang tên ‘cojoc binşenesc’ này đã có tuổi đời khoảng 100 năm và nằm trong bộ sưu tập truyền thống ‘Răzvan Fericean’.

Việc các thương hiệu thời trang tìm cảm hứng từ khắp mọi nơi trên thế giới để đem lại những sự kết hợp độc đáo và thú vị là chuyện bình thường. Các ông lớn trong làng thời trang như Tory Burch, Valentino hay Louis Vuitton cũng lấy nguồn cảm hứng thiết kế từ trang phục hay trang sức của các vùng khác nhau và đưa vào bộ sưu tập thời trang của họ.

 
bihor-couture11.jpg

Nhưng vấn đề là những bộ sưu tập này lại thường ‘quên’ vinh danh các cộng đồng sở hữu những nét văn hóa đặc sắc ấy. Khi mọi chuyện đi quá xa, điều này lại trở thành sự chiếm đoạt văn hóa.

Đối với các cộng đồng dân tộc nói chung, điều này là không công bằng bởi họ không được nhận lại thứ gì khi những nét văn hóa của mình bị “sao chép”. Họ không được trả tiền bản quyền, cũng không được nhắc đến với thế giới. Điều này đang góp phần ‘giết chết’ những nét truyền thống đặc trưng của các dân tộc.

Nhưng cộng đồng người Rumani đã khiến cho thế giới phải chú ý đến mình khi họ đáp trả Dior, khi hãng này không chịu thừa nhận rằng mình đã bắt chước thiết kế độc đáo của một loại trang phục truyền thống ở Romania.

Họ tạo ra hẳn một thương hiệu thời trang mới mang tên Bihor Couture, chuyên bán những mẫu trang phục truyền thống để cạnh tranh với chính Dior.

bihor-couture3-690x892.jpg

Tạp chí thời trang Beau Monde của Romania khởi động một chiến dịch truyền thông lớn với khẩu hiệu “Đừng để mất đi nét truyền thống”.

 

Ý tưởng của chiến dịch này là làm cho nhiều người biết đến nguồn gốc của những chiếc áo dân gian vùng Bihor thông qua truyền thông và tạo điều kiện cho mọi người mua được những sản phẩm truyền thống này.

Trong khi chiếc áo mang nhãn hiệu Dior có giá 30.000 euro, thì những chiếc áo của Bihor Couture được làm từ tay các thợ thủ công trong vùng được bán với giá 500 euro, rẻ hơn Dior gấp 60 lần.

“Chúng tôi mong các cộng đồng khác cũng đứng lên đòi lại công bằng cho việc bị sao chép trang phục truyền thống của mình” - theo những người khởi xướng chiến dịch Bihor Couture - “Ở Romania, chúng tôi đã bắt đầu làm điều đó”.

 

“Hãy mua bản gốc, chứ đừng mua bản nhái ‘chính hãng’”, một nhà thiết kế địa phương nói.

Chiến dịch này đã tạo ra ảnh hưởng rất lớn, khi mọi người đã nhanh chóng lan truyền và đặt mua hàng trăm đơn hàng quần áo truyền thống thông qua trang web bán hàng online của thương hiệu thời trang Bihor Couture.

Rất nhiều thợ thủ công trong vùng Bihor đã chính thức làm việc cho nhãn hiệu thời trang mới này để đáp ứng các đơn hàng đến từ khắp nơi trên thế giới.

Số tiền kiếm được từ các sản phẩm thời trang truyền thống sẽ đến tận tay những thợ thủ công địa phương. Hành động này không chỉ gây quỹ cho cộng đồng, mà còn thúc đẩy tinh thần văn hóa truyền thống đang dần bị yếu đi trong xã hội hiện đại.

 
 

Linh Nguyễn Lê