MS 021: 'Bệnh viện' hơn 40 năm chữa trị miễn phí giữa lòng Sài Gòn

Giữa trung tâm Sài Gòn xô bồ, có một "bệnh viện" mỗi ngày tiếp nhận hàng chục bệnh nhân, từ đau mỏi tay chân cho đến "thập tử nhất sinh" nhưng hoàn toàn miễn phí.

Cứ vào đầu giờ chiều mọi ngày trong tuần, khi ngang qua đường Hoàng Sa (Quận 1, TP.HCM), người ta không khỏi bất ngờ vì lượng người đứng xếp hàng trước chùa Vạn Thọ. Và đúng 14h, mọi người lần lượt bước vào cổng chùa. Điều đáng nói, đa phần những người đứng đợi là bệnh nhân, sức khoẻ có vấn đề.

Theo nhiều người dân sống tại khu vực chùa, nhiều người đến chùa đều là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Họ tìm đến Phòng khám Chẩn trị Trật Đà Cốt của chùa để được chữa trị. Một phòng khám không bảng hiệu, không "nổi" đình đám như các phòng khám tư nhân khác, nằm lọt thỏm trong khuôn viên của chùa gần 40 năm nhưng lại trở thành "cứu tinh" cho không ít phận người bệnh tật. Vì vậy, dù chỉ là phòng khám nhưng lại được nhiều người quen gọi và truyền tai nhau là “bệnh viện” miễn phí giữa lòng Sài Gòn.

Phòng khám được Hoà thượng Thích Thanh Sơn - Trụ trì chùa Vạn Thọ lập ra vào năm 1980 với suy nghĩ nhà sư không thể chỉ lo việc cầu nguyện, truyền bá Phật pháp mà còn phải tích cực làm việc xã hội, giúp đỡ mọi người. Thầy mong muốn giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn qua cơn bĩ cực. Bởi vậy, đa số bệnh nhân đến đây đều là người nghèo, họ là những người lao động nặng, không may gặp tai nạn trong công việc nhưng không đủ tiền đến bệnh viện chữa trị, tìm đến nhà chùa.

Để không ảnh hưởng tới việc cầu nguyện và truyền bá Phật pháp, phòng khám mở cửa vào mỗi buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, các buổi sáng nhà chùa vẫn sinh hoạt bình thường như những nhà chùa khác. Từ ngày thành lập, phòng khám lúc nào cũng nườm nượp bệnh nhân xếp hàng đợi lấy số thứ tự vào thăm khám.

Khám chữa bệnh chính tại phòng gồm Thầy Thích Thanh Sơn và hai đồ đệ là lương y Đức Nguyên và lương y Đức Hòa. Các Thầy sử dụng những loại thuốc tự nghiên cứu, pha chế theo công thức y học dân tộc cổ truyền, kết hợp với phương pháp nắn giúp bệnh nhân hồi phục khi bị chứng bong gân, trật khớp, gãy xương ở những vị trí không quá nghiêm trọng.

Trước khi "hành nghề", các thầy đều được cấp bằng chữa trị y học cổ truyền. Đồng thời, phòng khám cũng được Sở Y tế TP.HCM công nhận là một địa điểm khám chữa bệnh chính thức.

Ngoài 3 sư thầy là người phụ trách chính công việc tại phòng khám, còn có rất nhiều các tình nguyện viên là Phật tử thay phiên nhau phụ giúp công việc, giúp đỡ các bệnh nhân.

Trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 60 -70 bệnh nhân. Nhiều nhất là vào ngày thứ 2 hàng tuần có thể lên tới hơn 100 bệnh nhân. Và rồi, người được chữa lành kể cho người này, người này lại kể cho người kia, cứ thế tiếng lành được đồn xa.

Trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 60 -70 bệnh nhân. Nhiều nhất là vào ngày thứ 2 hàng tuần có thể lên tới hơn 100 bệnh nhân. Và rồi, người được chữa lành kể cho người này, người này lại kể cho người kia, cứ thế tiếng lành được đồn xa.

Một bệnh nhân đau vai gáy được các sư thầy đắp thuốc.

Cụ Lê Thị Hải (91 tuổi), người từng nhiều lần tới phòng khám cho biết: "Chữa trị ở đây thích lắm, các sư thầy và các ni cô vừa vui tính lại vừa tốt bụng, làm gì cũng nhẹ nhàng, chu đáo. Năm ngoái tôi đến chữa trị nhiều lần rồi, giờ tuổi già đau mỏi lại đến để được các sư thầy chữa trị tiếp".

Các loại thuốc được các sư thầy tự nghiên cứu, pha chế theo công thức y học dân tộc cổ truyền.

Nguyên liệu đều từ thiên nhiên lành tính và an toàn cho sức khỏe.

Đến chữa bệnh tại chùa, mọi thủ tục đều được miễn phí từ gửi xe, nước uống cho đến điều trị dài ngày.

Đến chữa bệnh tại chùa, mọi thủ tục đều được miễn phí từ gửi xe, nước uống cho đến điều trị dài ngày.

Hiếu Nguyễn ( Đặng Thy Huệ) - Báo VTC News