Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất xử phạt vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.

Theo dự thảo, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi không dành hành lang di chuyển cho thủy sản khi khai thác thủy sản bằng nghề cố định ở các sông, hồ, đầm, phá; không tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho thủy sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của thủy sản.

Hành vi lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, khai thác thông tin, sử dụng thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản cũng được dự thảo đưa vào với mức phạt đề xuất từ 30 – 50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của thủy sản; hành vi cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của thủy sản.

Phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng đối với hành vi lấn chiếm, gây hại cho khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phạt tiền từ 150 – 200 triệu đồng đối với hành vi thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của thủy sản.

Bảo vệ các loài thủy sản

Theo dự thảo, phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn như sau: Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 6 mét hoặc khai thác thủy sản không sử dụng tàu cá; phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 15 m; phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m; phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên. Bên cạnh đó, buộc thả số thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng hoặc chuyển giao số thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Ngoài ra, phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, khai thác thông tin, sử dụng thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản trái quy định của pháp luật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Báo Chính phủ