“Biến” phế liệu thành sân chơi cho trẻ em
Bằng sự sáng tạo và khéo léo, Xã đoàn Đại Tâm (Mỹ Xuyên) đã sáng chế ra những mô hình độc đáo dành cho các em học sinh ở Trường Mẫu giáo 2-9 vui chơi giải trí. Công trình ý nghĩa này không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em mà còn góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc tái chế rác thải để bảo vệ môi trường.
Do các mô hình vui chơi tại trường còn hạn chế nên các em học sinh chưa có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại hình học tập giải trí. Mọi việc dần thay đổi từ việc hưởng ứng Chương trình “Hành trình thứ 2 của lốp xe” do Trung ương Đoàn phát động, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai kế hoạch đến các huyện, thị, thành đoàn và các đơn vị trực thuộc. Từ đó, Xã đoàn Đại Tâm đã tổ chức đi xin các lốp xe cũ ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để thực hiện thành các mô hình động vật ngộ nghĩnh hay tạo hình trang trí bổ ích, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi được đặt tại khuôn viên trường.
Đồng chí Lê Thị Huỳnh Trân - Bí thư Xã đoàn Đại Tâm cho biết: “Công trình tại trường được triển khai từ tháng 7-2019, sau khi xin ý kiến và được Ban Giám hiệu Trường Mẫu giáo 2-9 đồng ý, Xã đoàn đã xin các lốp xe cũ về vệ sinh sạch sẽ, sau đó phối hợp với lực lượng đoàn viên của các đoàn trường trên địa bàn xã để lên ý tưởng tạo hình, pha trộn màu sơn, trang trí các lốp xe. Chỉ sau 3 ngày thực hiện, 41 chiếc lốp xe cũ đã “biến” thành các mô hình dễ thương, đẹp mắt như: thỏ, gấu, cá... và được các em học sinh thích thú đến vui chơi”.
Nhìn lướt qua công trình được hoàn thành, khó nhận ra các lốp xe cũ tưởng như bỏ đi lại được cắt ghép khéo léo thành những con vật ngộ nghĩnh cho học sinh vui chơi. Thoạt đầu, tưởng chừng công trình tái chế này đơn giản dễ thực hiện nhưng thực tế cho thấy, để tạo ra các mô hình trang trí phù hợp với lứa tuổi học sinh không phải dễ. Đồng chí Lê Thị Huỳnh Trân chia sẻ: “Các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện công trình đều là những người tay ngang, chỉ có 1 giáo viên mỹ thuật hỗ trợ tạo hình, trong quá trình thực hiện cũng gặp một số trở ngại do thời tiết, kỹ thuật cắt ghép nhưng không làm các bạn đoàn viên bỏ cuộc mà cố gắng hoàn thành. Ngoài ra, trong quá trình đi xin các lốp xe cũ, có nơi ủng hộ nhiệt tình, có nơi còn e dè vì tuy đã qua sử dụng, các lốp xe cũ vẫn được bán lại với giá khá cao. Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành đem lại hiệu quả tích cực, có đơn vị đã liên hệ hứa sẽ hỗ trợ tiếp lốp xe cũ để Xã đoàn thực hiện công trình tiếp theo”.
Hiện nay, công trình do Xã đoàn Đại Tâm thực hiện tại Trường Mẫu giáo 2-9 đã nhận được nhiều sự khen ngợi từ các bậc phụ huynh học sinh và ban giám hiệu nhà trường. Với cách tạo hình tỉ mỉ, sản phẩm sau khi hoàn thành đã tạo sự gần gũi với thiên nhiên và kích thích sự phát triển tư duy của trẻ. Cô Trầm Ánh Ngà - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo 2-9 chia sẻ: “Công trình do Xã đoàn Đại Tâm thực hiện đã góp phần tạo mỹ quan cho trường đẹp hơn, thu hút nhiều em học sinh và tạo nơi vui chơi thú vị cho trẻ em. Bên cạnh đó, trường cũng lồng ghép vào việc giáo dục các em một cách thực tế hơn trong việc bảo vệ môi trường”.
Đồng chí Nguyễn Vĩnh Mỹ - Phó trưởng Ban Thanh niên nông thôn, Công nhân viên chức và Đô thị, Tỉnh đoàn Sóc Trăng cho biết: “Khi Trung ương Đoàn phát động Chương trình “Hành trình thứ 2 của lốp xe”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã có kế hoạch phát động rộng rãi cho các đơn vị ở các xã, phường, thị trấn tham gia. Đến nay, hoạt động này đã lan tỏa đến nhiều địa phương và có khoảng 200 công trình, phần việc được thực hiện bằng cách tái chế rác thải nhựa, cao su thành các vật có ích. Hoạt động này nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của cán bộ đoàn, đoàn viên và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Lốp xe cũ nếu bị loại bỏ bằng cách đốt ngoài môi trường không qua xử lý khí thải sẽ tạo mùi khét khó chịu, thậm chí khó thở cho những hộ dân xung quanh và làm giải phóng các hóa chất vô cùng độc hại ra môi trường. Với sự sáng tạo của lực lượng đoàn viên, thanh niên đã biến những vật dụng bỏ đi thành vật trang trí, vui chơi hữu ích, vừa đảm bảo an toàn vừa tạo nên phong trào hành động cho tuổi trẻ trong việc bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Theo Quốc Kha (Báo Sóc Trăng)