Ngư dân Bình Định chưa học hết lớp 3 vẫn chế máy đánh dây thừng

Sinh ra ở 1 vùng quê biển, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông học hành chẳng đến nơi đến chốn, mới “biết đọc biết viết” là ông phải rời trường. Ở làng chài thì cũng chẳng biết nghề ngỗng gì để học.

15-10-47_1.jpg

Tay chân chưa kịp có cơ bắp là ông đã phải đi bạn cho tàu cá ở địa phương để kiếm tiền giúp gia đình.

Ấy vậy nhưng với niềm đam mê, ông đã mày mò nghiên cứu, sáng chế ra nhiều loại máy đánh dây thừng phục vụ cho nghề biển, đặc biệt trong đó có máy đánh 8 tao đôi được đánh giá cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định năm 2017 và là 1 trong 16 giải pháp được dự thi hội thi toàn quốc năm nay và được ngư dân cả nước tin dùng. Ông là Lê Văn Quyền (63 tuổi) ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định).  

Chưa ai làm được

Dẫn tôi xem chiếc máy đánh dây thừng 8 tao đôi, ông Lê Văn Quyền, tác giả làm ra chiếc máy này say sưa thuyết minh công năng của chiếc máy độc đáo này.

Chiếc máy có chiều cao hơn 3 m, chiều rộng cũng xấp xỉ ngần ấy. Quan sát, tôi thấy chiếc máy có 4 bộ nhông dây chuyền, 4 trục sắt đường kính 100 mm, 8 ống ru-lô và một số chi tiết khác. Chỉ với 1 công nhân điều khiển, chiếc máy nhịp nhàng nhả ra từng cuộn dây thừng 8 tao đôi theo kích cỡ đặt hàng của khách.

Trông thì đơn giản là vậy nhưng theo tác giả làm ra chiếc máy, thì phải mất rất nhiều năm, từ 12 chiếc máy ông Quyền tự thiết kế từ nhỏ đến to, từ đơn giản với máy đánh tao đơn mới cho ra đời được cái máy đánh tao đôi phức tạp này.

Chiếc máy đánh 8 tao đôi này là cả 1 hệ thống dây chuyền tự động hóa đánh dây thừng, chẳng khác gì công nghệ máy nhập ngoại. Theo ông Quyền, hiện nay trong nước chưa có ai làm được.

Theo ông Quyền, chiếc máy sản xuất dây thừng đánh 8 tao đôi có chi phí làm máy hết khoảng 800 triệu đồng. Con số nghe to là vậy nhưng vào thời điểm đó so với máy nhập ngoại còn rẻ gấp rất nhiều lần.

Khi ứng dụng vào sản xuất, chiếc máy này mang lại hiệu quả cao gấp bội, rút ngắn được quy trình sản xuất. Ngoài ra, sản phẩm làm ra được nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hơn nhiều so với phương pháp làm thủ công.

Ông Quyền cho hay, trước đây, để sản xuất 100 m dây thừng phải mất từ 8 đến 10 công lao động trong 10 giờ ròng rã, nay chỉ mất 1-2 công làm trong 8 giờ. Thêm vào đó, kỹ thuật đánh dây xoắn giúp sản phẩm có độ bền cao.

Chiếc máy còn cho ra sản phẩm rất đa dạng, kích cỡ đường kính từ 20-100 mm. “Phấn khởi nhất là sản phẩm làm ra có thể cạnh tranh với thị trường khi giá bán chỉ có 70.000 đồng/kg.

Trong khi đó, cùng loại hàng được sản xuất bởi liên doanh Thái Lan - Malaysia thì trên thị trường đang có giá từ 92 ngàn đồng đến 95 ngàn đồng/kg. Còn về thẩm mỹ và độ bền, nhiều ngư dân đã sử dụng đều rất ưng bụng, họ bảo chẳng thua kém hàng nhập ngoại”, ông Quyền nói không giấu được vẻ tự hào.  

15-10-47_2.jpg

Nhà sáng chế không bản vẽ

Chủ cơ sở sản xuất dây thừng Quyền Phú vốn là người con của xã Nhơn Lý, 1 làng chài thuộc thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Tuổi thơ cơ cực, ông Lê Văn Quyền học chưa hết lớp 3 trường làng thì đã phải bỏ học vì điều kiện gia đình. Chưa kịp đến tuổi trưởng thành ông đã phải theo các tàu cá ở địa phương đi bạn, kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Đến khi lập gia đình, ông Quyền vẫn bám lấy nghề “ăn đằng sóng, nói đằng gió” để kiếm tiền nuôi vợ nuôi con.

Biển giả bất định, chuyến biển nào đánh bắt được nhiều cá thì dân đi bạn còn có thu nhập, chuyến biển nào đói cá thì kể như phủi tay. Ông Quyền nghĩ, nếu cứ đi bạn làm thuê kiểu này biết bao giờ mới khấm khá lên nổi, phải kiếm 1 nghề nào đó làm thì may ra mới có thể nuôi sống được vợ con đàng hoàng.

Vốn là ngư dân, ông Quyền nhận ra nhu cầu về dây thừng trên các tàu cá là rất cao. Trong khi đó, quê vợ của ông (huyện Hoài Nhơn) là địa phương phát triển rất mạnh nghề làm dây thừng. Vậy là ông Quyền bỏ biển, về quê vợ học nghề làm dây thừng.

Trong thời gian học nghề, ông Quyền mua dây thừng từ Hoài Nhơn về bán cho các tàu cá ở xã Nhơn Lý để kiếm thu nhập. Thời gian làm “lái buôn” dây thừng, ông Quyền tích góp được số vốn kha khá, ông quyết định đổi đời bằng cách chuyển hẳn vào định cư tại 1 vùng biển ở thành phố Quy Nhơn để bày cuộc làm ăn.

“Khi ấy gia đình tui bán ngôi nhà mới xây ở Nhơn Lý, tích góp hết vốn liếng được 10 cây vàng, rồi cả nhà dắt díu vào Quy Nhơn mua mảnh đất 80 m2 ở phường Hải Cảng ở tạm, rồi kiếm cách làm ăn”, ông Quyền nhớ lại.

Về Quy Nhơn, ông Quyền tiếp tục thuê công làm nghề sản xuất dây thừng bằng phương pháp thủ công. Nhận thấy làm thủ công sản phẩm cho ra không được nhiều, lại kém chất lượng, vậy là ông bắt tay vào việc nghiên cứu sáng chế ra chiếc máy đánh dây thừng. Hồi ấy, khi mới bắt tay vào nghiên cứu làm chiếc máy đánh dây 8 tao đôi, ông Quyền đã phải nghe không ít “lời ong tiếng ve”.

15-10-47_3.jpg

Ai nói gì mặc ai, ông Quyền vẫn kiên tâm đeo đuổi niềm đam mê. Tiền tỷ ông bỏ ra đầu tư nghiên cứu vợ con ông ông thấy cũng xót lắm chứ!

Sau khi thành công máy đánh dây 8 tao đôi, ông Quyền “thừa thắng xông lên” nghiên cứu tiếp máy đánh chì luồn vào giữa dây thừng tạo độ nặng, để khi ngư dân thả lưới, sợ dây kéo tấm lưới chìm sát đáy biển. Không chỉ sản xuất tại cơ sở của mình, ông Quyền còn sản xuất nguyên liệu thô cung cấp cho các công ty sản xuất lớn ở TP Hồ Chí Minh.

Cứ thế, từ nghề sản xuất dây thừng, hiện ông Quyền đã trở thành ông chủ của cả cơ sở sản xuất kiêm nhà phân phối dây thừng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Nơi nào có biển là sản phẩm ngư lưới cụ của cơ sở Quyền Phú có mặt.

Năm 2014, Sở KH-CN Bình Định mời ông lên để làm đăng ký độc quyền sáng chế cho máy đánh dây 8 tao đôi độc đáo. Nhưng ông Quyền thấy rắc rối quá, nào là bản vẽ thiết kế, nào là phải thuyết minh mô hình, mà ông thì chỉ biết làm ra cái máy chứ mấy thứ đó thì ông... bó tay!

Tuy vậy, chiếc máy đánh dây thừng 8 tao đôi của ông đã được đánh giá cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định năm 2017 và là 1 trong 16 giải pháp được dự thi hội thi toàn quốc năm nay.

Đình Vũ - Báo Nông nghiệp

TinQuânsáng chế, Tin khai thác