Nhờ sáng chế, 2 học sinh miền núi Ninh Thuận được tuyển thẳng đại học

Hai học sinh sáng chế “Mô hình máy điều khiển tự động thu gom nông sản trên sân phơi” được tuyển thẳng vào đại học.

Với sản phẩm “Mô hình máy điều khiển tự động thu gom nông sản trên sân phơi”, hai em Nguyễn Hữu Thực và Trần Hoàng Nguyên - học sinh lớp 11C4, trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn, Ninh Thuận) - đã đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, năm học 2018-2019 (khu vực phía Nam), được Bộ trưởng GD&ĐT tặng bằng khen.

Học cùng một lớp, Thực và Nguyên, từ lâu đã có chung niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo về máy móc, kỹ thuật điện tử, nên ngoài giờ học hai em thường xuyên tìm tòi nghiên cứu sáng chế.

Cảm nhận được những vất vả của người nông dân quanh năm “tay lấm chân bùn” dưới đồng ruộng, đến khi thu hoạch phải gánh thêm sự nhọc nhằn, tốn nhiều thời gian và sức lực, Thực và Nguyên cùng bàn bạc ý tưởng và lấy cảm hứng từ chiếc máy hút bụi trong nhà để chế tạo ra mô hình chiếc máy thu gom nông sản điều khiển tự động.

Các em mong muốn được đóng góp việc làm có ích cho cuộc sống cộng đồng từ những kiến thức đã học tập được trong trường học.

Trần Hoàng Nguyên chia sẻ thoạt đầu, mỗi lần đi học về, em thường ngang qua các sân phơi lúa trong thôn và chứng kiến hình ảnh người nông dân suốt ngày đội nắng nóng, lội giữa sân phơi để đảo những hạt lúa đang phơi khô cho đến khi chiều tà, mới cào lúa dồn lại thành đống, rồi xúc từng thúng lúa đổ vào bao chở về nhà rất cực nhọc. Việc này vừa mất thời gian, tốn nhiều chi phí cho việc thu gom nông sản, do phải thuê nhiều công lao động, ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của nông dân.

Tháng 4/2018, khi nhà trường phát động phong trào sáng tạo các sản phẩm gắn liền với những môn học và có ảnh hưởng tích cực đối với đời sống cộng đồng vào mùa hè mỗi năm, Thực và Nguyên đã đăng ký thực hiện sản phẩm “Mô hình máy điều khiển tự động thu gom nông sản trên sân phơi”.

Sau một thời gian chế tạo và được sự giúp đỡ của thạc sĩ Nguyễn Trần Thái Vũ - giáo viên dạy bộ môn Vật lý nhà trường, hai em đã hoàn thành sản phẩm và cho chạy thử nghiệm vào tháng 9/2018.

Thấy ý tưởng sáng tạo mới, nên trường THPT Trường Chinh đã chọn đưa sản phẩm đi dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh THPT vào tháng 11/2018 và đoạt giải ba, cũng như được lựa chọn là một trong 6 dự án của tỉnh tham gia dự thi cấp quốc gia.

Thầy trò Nguyễn Hữu Thực và Trần Hoàng Nguyên bên sản phẩm  đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THPT năm  học 2018-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: P.V

Thầy trò Nguyễn Hữu Thực và Trần Hoàng Nguyên bên sản phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THPT năm học 2018-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: P.V

Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, năm học 2018-2019 khu vực phía Nam được tổ chức tại Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) từ ngày 16 đến 19/3, sản phẩm của hai em Nguyễn Hữu Thực và Trần Hoàng Nguyên đã xuất sắc vượt qua nhiều sản phẩm đến từ các tỉnh, thành phố khác để mang về giải nhất cho đoàn dự thi của tỉnh Ninh Thuận.

Về nguyên lý hoạt động của máy, em Nguyễn Hữu Thực cho biết khi máy hoạt động, hệ thống quét sẽ đẩy nông sản lên khoang chứa. Băng chuyền có gắn các gàu múc thực hiện nhiệm vụ đưa nông sản lên cao và đổ vào máng dẫn. Nông sản theo máng rơi vào bao thông qua giá treo bao đã được lắp vào vị trí ngay bên dưới máng dẫn.

Khi nông sản chứa vào bao đến một trọng lượng xác định sẽ gây ra lực đủ lớn để tạo ra lực nén lên hệ thống băng chuyền tải đẩy bao chứa nén lên công tắc làm ngắt mạch. Khi đó, hệ thống chổi quét và hệ thống băng chuyền tải nông sản ngừng hoạt động. Sau thời gian 2 giây, động cơ của hệ thống băng chuyền đẩy bao hoạt động đưa bao chứa nông sản ra phía sau và đi qua máy may đang hoạt động.

Thầy giáo Bùi Chí Cang - Phó hiệu trưởng trường THPT Trường Chinh - nhìn nhận hai em Thực và Nguyên rất chăm ngoan, đạt các thành tích cao trong học tập và được thầy cô và bạn bè tin yêu. Với thành tích đạt được, hai em sẽ được tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Đây vừa là niềm tự hào của nhà trường, vừa là vinh dự đối với hai em, đồng thời là động lực thúc đẩy phong trào sáng tạo trong trường học ngày càng lan tỏa sâu rộng.

"Mong rằng, sản phẩm của hai em Thực và Nguyên được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư chế tạo để đưa vào phục vụ cho lợi ích cộng đồng trong thời gian tới, bởi sản phẩm rất cần thiết đối với một tỉnh thuần nông như Ninh Thuận", thầy Cang nói.

Phan Hiếu - Báo Lao động

Bài gốc