MS-059: 40 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Giữa trung tâm Sài Gòn, có một “bệnh viện” chuyên chữa những bệnh về xương khớp, nhưng đặc biệt là không thu bất kỳ một chi phí nào của người bệnh suất gần 40 năm qua.

Đệ tử của lương y Thích Thanh Sơn đang điều trị cho một bệnh nhân

Đệ tử của lương y Thích Thanh Sơn đang điều trị cho một bệnh nhân

Không bảng hiệu, không cò mồi, im lìm lọt thỏm trong khuôn viên của chùa Vạn Thọ (Q.1), trong suốt gần 40 năm qua phòng khám Trật Đả Cốt đã như một cứu cánh, một điểm tựa giúp rất nhiều người nghèo vượt qua cơn bạo bệnh. Dù là phòng khám nhưng người dân lại quen gọi là “bệnh viện” của người nghèo.

Tiếng lành đồn xa

Một buổi chiều ghé phòng khám, tiện thể khám luôn mắt cá chân bị nhức, tôi bị choáng ngợp bởi dãy hàng dài bệnh nhân đang chờ đến lượt khám. Đa phần, đều là người dân lao động nghèo, không chỉ ở Sài Gòn mà còn các tỉnh lân cận từ Vĩnh Long, Bình Dương, Tiền Giang…

Anh Mười Hưng (37 tuổi) quê Vĩnh Long lên Sài Gòn làm phụ hồ ngót mười năm nhưng đã có thâm niên gần 4 năm điều trị tại đây. “Một lần làm việc bất cẩn, tui bị rớt giàn giáo, bể xương chậu nhưng làm gì có tiền mà đến bệnh viện lớn.

Cứ tự mua ba thứ thuốc về bó mà chẳng thấy đỡ, lại nặng thêm. Có ông xe ôm đầu hẻm thấy vậy mới mách rồi chở luôn đến đây. Ròng rã mấy năm nay, cứ bị chệch xương, nhức khớp là lại đến đây cho các thầy khám… Không mất chi phí mà các thầy khám nhiệt tình, hiệu quả”.

Cô Út Xanh (68 tuổi) tít tận Bình Chánh cũng tìm đến phòng khám để chữa chiếc chân trái bị giãn tĩnh mạch, phù nề và khó đi lại. “Lần đầu đến khám đó, mấy người ở xóm làm việc trên này họ mách cho địa chỉ phòng khám, nói các thầy chữa nhạy lắm lại không tốn tiền. Đi được đến đây phải ngồi xe bus từ sáng sớm rồi mất thêm 20 ngàn xe ôm nữa…”.

Ngồi chưa ấm chỗ, tôi đã thấy vài chiếc xe máy chạy rờ tới. Những khuôn mặt người nhăn nhó, những bước đi khập khiễng. Có những trường hợp không thể đi lại được phải nhờ người thân dìu vào. “Ổng làm xe ôm, trụ cột gia đình mà bữa đêm mưa, chạy thế nào tông vào cột điện, may chỉ bị gãy chân. Nhà nghèo làm gì có tiền đến bệnh viện, may có phòng khám. Nay tui đưa ổng đi bó lại, được nửa tháng rồi” - Cô Trần Thị Thảo (Q.3) vừa dìu chồng vào lấy số thứ tự vừa kể.

Trong gian phòng khám rộng chừng 50m2, la liệt người nằm người ngồi. Mặt ai nấy đều nhăn nhúm vì đau nhưng đều kiên nhẫn đợi đến lượt mình được khám và đắp thuốc. Lương y Diệu Hương ân cần bó thuốc cho một bệnh nhân trẻ và dặn 2 ngày nữa quay lại thay thuốc.

“Bệnh nhân đến phòng khám đa phần đều là người nghèo mà bệnh tình thì phải chữa lâu dài chứ không phải khỏi ngay trong ngày một ngày hai. Bởi vậy, nếu đến bệnh viện thì chi phí rất cao. Các thầy đều tận tâm chữa trị, có những bệnh nhân theo đã đến vài ba năm…” - lương y Diệu Hương chia sẻ.

Chữa bệnh, chữa cả tâm

Những người chữa bệnh lâu năm ở đây vẫn còn rỉ tai nhau câu chuyện về một chàng trai trẻ hành nghề trộm cắp, bị bắt đánh cho gãy hai xương bánh chè được các thầy ở phòng khám chữa cho lành vết thương và còn khuyên “cải tà quy chính”. “Ngày ấy, anh chàng được người ta đưa đến kể sự tình tôi nói, sẽ đồng ý chữa nhưng phải quay về con đường lương thiện” - lương y Thích Thanh Sơn kể lại.

Suốt hơn 3 tháng trời, cứ hai ngày một tuần anh chàng lại đến chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, bẵng đi hơn một năm trời, các thầy không thấy anh quay lại. “Một năm sau anh chàng quay lại, vui mừng kể đã xin được việc làm công nhân tại một công ty giày da. Giờ đang thuê nhà ở Q.Tân Bình, cũng sắp lấy vợ, ai cũng mừng rỡ vì không chỉ chữa khỏi bệnh cho anh mà còn chữa lành được cả tâm thiện”.

Lương y Thích Thanh Sơn cũng chính là trụ trì chùa Vạn Thọ chia sẻ rằng, thầy mở phòng khám này từ năm 1980, với mong muốn ban đầu là san sẻ gánh nặng bệnh tật cho người nghèo nên không nhận bất cứ một chi phí gì.

Các bài thuốc tại đây đều là những bài thuốc được các thầy tự nghiên cứu, pha chế theo công thức y học dân tộc cổ truyền kết hợp nắn bóp giúp bệnh nhân hồi phục khi mắc các bệnh đơn giản về xương khớp.

“Nhiều bệnh nhân bị nặng quá, nhà lại nghèo, thầy nói cứ đến bệnh viện đi, phòng khám sẽ hỗ trợ một phần chi phí. Rồi kết hợp với đến phòng khám thầy đắp thuốc, nắn bóp cho” - thầy Thích Thanh Sơn kể.

Tồn tại gần bốn thập kỷ với bao biến cố của thời gian nhưng phòng khám vẫn hoạt động với phương châm lấy người bệnh là trên hết. “Tất cả các lương y chữa bệnh tại phòng khám đều có bằng chữa trị y học cổ truyền. Phòng khám cũng được Sở Y tế TP.HCM cấp phép hoạt động. Điều này càng làm cho bệnh nhân tin tưởng và tìm đến phòng khám nhiều hơn” - lương y Diệu Hương nói.

Theo lương y Diệu Hương, phòng khám hoạt động vào mỗi buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, mỗi buổi đón khoảng 70 bệnh nhân, có hôm cao điểm lên đến cả gần 200 bệnh nhân. “Có bữa đông quá các thầy làm đến quên cả đói. Chỉ cần nhìn thấy sự tiến triển bệnh tình của người bệnh là các thầy thấy mừng vui, công sức mình đã được đền đáp”.

Đỗ Yến - Báo Giáo dục

Bài gốc