Cảnh báo người dùng smartphone khi qua đường bằng hệ thống đèn LED

Thành phố Ilsan (Hàn Quốc) vừa lắp đặt hệ thống đèn LED nhằm giảm thiểu tai nạn xảy ra với người mải sử dụng smartphone khi băng qua đường.

Hệ thống cảm biến radar và camera nhiệt sẽ giúp hệ thống đèn LED nhấp nháy khi phát hiện ra người đi bộ hoặc phương tiện giao thông đến gần các vạch sang đường

Hệ thống cảm biến radar và camera nhiệt sẽ giúp hệ thống đèn LED nhấp nháy khi phát hiện ra người đi bộ hoặc phương tiện giao thông đến gần các vạch sang đường

Khiến người “nghiện” smartphone quan sát tín hiệu đèn giao thông

Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới với 94% người dân sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử (gồm cả người lớn và trẻ nhỏ).

Dán mắt vào điện thoại được xác định là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các vụ tai nạn người đi bộ  bị xe đâm khi qua đường tại Hàn Quốc.

"Số vụ tai nạn xảy ra với các xác sống smartphone ở vạch sang đường ngày càng tăng, do đó các loại đèn này cần thiết để ngăn xảy ra tai nạn", Ông  Kim Jong Hoon viện Kỹ thuật Dân sự và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc cho biết.

Chính vì lý do này, Ilsan, địa phương nằm cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 30km về phía Tây Bắc đã trở thành thành phố đầu tiên ở quốc gia châu Á cho lắp đặt hệ thống đèn hiệu đặc biệt hấp dẫn, lôi kéo sự chú ý của " Snombies - những xác sống điện thoại thông minh" ngay trên bề mặt các lối đi dành cho khách bộ hành sang đường. Đây là sáng kiến của Kỹ thuật Dân sự và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc. Snombies là chữ viết tắt cảu Smartphone và Zombie (xác sống).

Ngoài hệ thống đèn LED đỏ - vàng - xanh, những người đi đường nhìn chằm chằm vào điện thoại hay còn gọi là Snombies sẽ được cảnh báo nhờ tia laser phát từ các cột năng lượng. Sự nhấp nháy khó chịu này bắt buộc người đi bộ ngẩng đầu quan sát tín hiệu đèn giao thông, trong khi người lái xe ôtô giảm tốc độ tại các tuyến đường giao nhau, nhờ đó giảm thiểu số vụ tại nạn giao thông.

Ngoài hệ thống đèn LED tác động trực tiếp tới thị giác, khách bộ hành còn nhận được cảnh báo tai nạn ngay trên điện thoại thông minh của mình

Ngoài hệ thống đèn LED tác động trực tiếp tới thị giác, khách bộ hành còn nhận được cảnh báo tai nạn ngay trên điện thoại thông minh của mình

Hệ thống cảnh báo đa chiều này được điều khiển bởi hệ thống cảm biến radar và camera nhiệt.  Chi phí lắp đặt hệ thống tại mỗi lối đi bộ qua đường là 15 triệu won (hơn 13.000 USD).

Phản ứng ban đầu của khách bộ hành khá tích cực. Anh Yang San-Hui, một người đi bộ 41 tuổi nói: “Tôi có thói quen nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại khi đi bộ trên các con phố. Có mấy lần tôi đâm sầm vào người khác nhìn đường rồi. Nếu kém may mắn hơn chắc cũng đã bị tai nạn. Bởi thế, tôi tin rằng hệ thống đèn LED này rất hữu ích”.

Người đi bộ có tên Kim Dan-Hee, 23 tuổi thì cho biết: “Hệ thống đèn nhấp nháy này khiến tôi có cảm giác an toàn hơn vì tôi bắt buộc phải quan sát xung quanh. Tôi hy vọng rằng chính quyền thành phố sẽ lắp hệ thống cảnh báo này hơn trên mọi tuyến phố”.

Gửi cảnh báo trực tiếp tới điện thoại

Ngoài hệ thống cảnh báo tác động vào thị giác của người tham gia giao thông, một thông báo cảnh báo cũng sẽ được gửi tới người tham gia giao thông thông qua một ứng dụng điện thoại.

“Sau khi cảm biến radar và camera cảm ứng nhiệt phát hiện ra một phương tiện và một khách bộ hành, các bóng đèn flash trên đường sẽ nhấp nháy. Cùng lúc đó, ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ gửi một tin nhắn cảnh báo để ngăn chặn các tai nạn smombie”, ông Kim Jong-Hoon, viện Kỹ thuật Dân sự và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc cho biết.

Năm 2017, hơn 1.600 người đi bộ thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông ở Hàn Quốc. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, Hàn Quốc có tỉ lệ người dùng smartphone cao nhất thế giới, với 94% người trưởng thành sở hữu điện thông minh vào năm 2017 trong khi con số này ở Mỹ và Nhật Bản lần lượt là 77% và 59%.

Vừa đi vừa dán mắt vào điện thoại nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các vụ tai nạn người đi bộ bị xe đâm khi qua đường tại Hàn Quốc.

Vừa đi vừa dán mắt vào điện thoại nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các vụ tai nạn người đi bộ bị xe đâm khi qua đường tại Hàn Quốc.

Trước đó vào năm 2016, chính quyền thành phố Seoul của nước này cũng cho lắp đặt 300 biển báo tại thủ đô nhằm cảnh báo tai nạn với những người vừa đi bộ và vừa dùng smartphone.

Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh đây là giải pháp kém hiệu quả hiệu quả. Bởi lẽ, họ cho rằng những con nghiện smartphone sẽ chỉ dán mắt vào màn hình chứ chẳng thèm để ý đến xung quanh và thấy những biển báo này.

Có thể nói, các vụ tai nạn giữa những người đi bộ với phương tiện khác mà nguyên nhân do sử dụng điện thoại cũng đang là một vấn đề nóng bỏng của không ít quốc gia. Trước đó, chính phủ Australia và Đức cũng đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống đèn giao thông mới được gắn dưới... mặt đường để dành cho đối tượng luôn bận rộn sống ảo.

Hoài Thanh (Theo Reuters)