Giấc mơ khởi nghiệp cùng cây đàn Chapi của đồng bào Raglai ở Ninh Thuận
Tận dụng các loại lồ ô, tre, nứa tại địa phương, đồng bào Raglai, xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận quyết tâm khởi nghiệp bằng việc sản xuất đàn Chapi, nhạc cụ được biết đến trong ca khúc “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến.
Trong ca khúc nổi tiếng “Giấc mơ Chapi” của nhạc sĩ Trần Tiến, tình yêu của đồng bào dân tộc Raglai gắn liền với loại nhạc cụ độc đáo, cây đàn Chapi.
"Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi
Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai
Ôi Raglai yêu rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn Chapi .. i i i í
Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi ..i íi í"
Đi đến đâu cũng nghe nhiều người hát ca khúc này nhưng ít ai hình dung nổi cây đàn này như thế nào, ở đâu hay nét độc đáo của cây đàn Chapi như thế nào.
Chỉ có khi tận mắt chứng kiến, tận tai nghe mới thấy đàn Chapi khi ngân lên, tiếng đàn nghe như suối chảy róc rách, những giai điệu đã ngấm vào cuộc sống, con người, cây cỏ của đồng bào Raglai.
Theo đồng bào người Raglai, đàn Chapi được sản xuất khá đơn giản. Từ một ống tre to, người nghệ nhân tách vỏ tre lên làm 8 cặp dây, sau đó vót miếng tre thật nhẵn nhét vào giữa các sợi dây.
Theo anh Pinăng Ngúng, thôn Suối Rua, người chuyên làm đàn Chapi thì việc sản xuất nhạc cụ này không khó, điều quan trọng là người làm phải có kinh nghiệm chọn cây lồ ô, tre, nứa … không quá non mà cũng không quá già, để khi chế tác xong, đàn có âm thanh trầm, bổng.
Nếu khai thác nguyên liệu quá non, đàn sẽ không tạo ra được âm thanh như mong muốn. Tuy nhiên, đối với những người mới tiếp cận được với loại đàn này thì việc chơi đàn Chapi lại là cả một nghệ thuật và không hề dễ.
Theo chia sẻ của ông Võ Văn Hùng, cán bộ UBND xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, Ninh Thuận: “Đàn Chapi có tính độc đáo và lạ mắt. Nguồn nguyên liệu để chế tác nhạc cụ này có sẵn, là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất.
Gần đây, đàn Chapi được giới thiệu, trưng bày và bán tại nhiều khu vực như ở Ninh Thuận, Đăk Lăk, các tỉnh Tây Nguyên… Tuy nhiên, lượng sản phẩm bán ra còn quá khiêm tốn. Trung bình mỗi người ngày làm ra 3 chiếc/ngày, giá bán từ 80 đến 100 nghìn đồng/chiếc”.
Theo đánh giá của nhiều người, giá 80 đến 100 ngàn đồng/chiếc là khá hợp lý. Tuy nhiên, thị trường còn hạn chế. Một khó khăn khác là khách hàng khi mua sản phẩm này không biết sử dụng.
Hoặc tại các điểm bán hàng ký gửi thì người bán cũng không biết sử dụng nên không hướng dẫn được người sử dụng. Đó là trở ngại cho việc quảng bá sản phẩm.
Tuy nhiên khó khăn là thị trường còn hạn chế, đặc biệt khách hàng mua sản phẩm này không biết sử dụng. Ngay tại các điểm bán hàng ký gửi thì người bán không biết đánh, nên việc quảng bá gặp sản phẩm này sẽ là trở ngại lớn.
“Sắp tới, địa phương cũng có kế hoạch tập huấn cho các điểm bán hàng để họ biết về lịch sử, nguồn gốc cây đàn cũng như biết cách đánh đàn để chia sẻ, hướng dẫn cho khách hàng sử dụng. Khi khách hàng hiểu và sử dụng được cây đàn này thì sẽ tăng được sức mua.
Chính quyền địa phương sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ để giúp đồng bào Raglai phát triển đàn Chapi hướng đến thị trường, để đồng bào có nguồn thu nhập, giải quyết khó khăn”, ông Hùng cho biết.
Với nguồn tài nguyên sẵn có nên chi phí nguyên liệu sản xuất rất thấp, nếu có đầu ra cho sản phẩm, cây đàn Chapi trong bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến sẽ đến được với nhiều người. Đó cũng là mong ước của bà con Raglai và chính quyền địa phương.
Thế Trần - Trí Thức Trẻ