Dùng gián để xử lý rác thải thực phẩm

Một nhà máy nằm ở ngoại ô thành phố Tế Nam, Trung Quốc hàng ngày nhận 55 tấn rác thải từ nhà bếp chuyển đến đây, chủ yếu là thực phẩm dư thừa – và họ xử lý số rác này bằng cách nuôi một tỷ con gián để chúng ăn.

Công ty Công nghệ Nông nghiệp Shandong Qiaobin đang nuôi một tỷ con gián để xử lý rác thải thực phẩm.

Mỗi năm, con người để lãng phí khoảng 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra – tương đương với khoảng 1,43 tỷ tấn. Đây không chỉ là một thiệt hại lớn về kinh tế, mà nếu thải ra môi trường, thì đó cũng là một thảm họa.

Các thành phố của Trung Quốc phát triển rất nhanh, và các thành phố này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý lượng thực phẩm dư thừa do người dân thành phố thải loại ra. Công ty Công nghệ Nông nghiệp Shandong Qiaobin, Trung Quốc – một công ty đang giúp thành phố Tế Nam giải quyết số thực phẩm dư thừa này bằng cách nuôi một đàn gián khổng lồ và cho chúng ăn. Thông thường, rác thải sẽ được đưa đến nhà máy, và chuyển vào các đường ống dẫn đến các khoang chứa đầy gián. Các kỹ sư chăm sóc loài gián ở đây còn tạo ra một môi trường lý tưởng cho chúng với độ ẩm cao, ẩm ướt để chúng phàm ăn hơn.

Những con gián này không chỉ giúp xử lý lượng thực phẩm dư thừa, mà khi lớn lên, chúng còn có nhiều lợi ích khác nữa, như là làm thức ăn cho vật nuôi, cho cá.

Bà Li Hongyi, chủ tịch công ty Sơn Đông Qiaobin cho tờ Reuters biết: “Dùng gián để ăn thực phẩm thừa là phương thức hiệu quả giúp biến rác thải thành những thứ có ích”.

Công ty Sơn Đông Qiaobin đang dự định mở thêm 3 nhà máy nữa vào năm 2019, giúp xử lý khoảng 1/3 lượng rác thải thực phẩm của 7 triệu dân thành phố Tế Nam thải ra.

Nhiều thành phố khác ở Trung Quốc cũng đang học tập mô hình này của Tế Nam để mở các trang trại gián nhằm giải quyết lượng rác thải thực phẩm của họ. Nếu như xu hướng này vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ Trung Quốc, chúng ta có thể lường trước một tương lai mà ở đó gián - loài côn trùng gớm ghiếc, háu ăn lại trở thành “dũng sỹ” tuyến đầu trong cuộc chiến chống rác thải, gây ô nhiễm môi trường.

Phước Anh (Theo Futurism)