Sản xuất đồ da từ lá dứa

Rất nhiều nhà thiết kế đang tìm kiếm các vật liệu thay thế cho vải  truyền thống. Carmen Hijosa, một người Tây Bam Nha, cũng vậy và bà đã tìm ra một giải pháp của riêng mình: dùng sợi của lá dứa để sản xuất loại vật liệu có thể thay cho da động vật.

Vào những năm 1990, chuyên gia Carmen Hijosa làm cố vấn trong ngành công nghiệp xuất khẩu da ở Philippines. Bà đã bị sốc khi chứng kiến những tác động của ngành công nghiệp sản xuất và thuộc da đối với môi trường. Chính vào lúc ấy, bà đã nghĩ tới việc cần phải tìm ra một quy trình thay thế quy trình thuộc da bằng hóa chất và cấp thiết hơn cả là sản xuất một loại da không từ động vật mà từ những nguồn nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có ở đảo quốc Đông Nam Á.

Các nhà máy địa phương ở Philippines tách sợi của lá dứa và kết chúng lại thành những sợi tơi.

Sau hơn 7 năm mày mò nghiên cứu, bà nhận ra rằng, chính các phụ phẩm trên những đồn điền trồng dứa là câu trả lời mà và đang đi tìm.

Một tấm vải từ lá dứa.

Từ đồn điền trồng dứa tới loại vải thân thiện với môi trường

Lá dứa được coi là một phụ phẩm tại các đồn điền ở Philippinies. Thông thường, sau mỗi vụ thu hoạch, người nông dân sẽ đốt lá dứa ngay trên các đồn điền hoặc để chúng tự mục nát. Theo ước tính, có khoảng 40.000 tấn lá dứa bị thải loại trên toàn cầu.

Một chiếc túi làm từ vải lá dứa Pinatex.

Nhưng kể từ sau khi ý tưởng dệt vải từ lá dứa của giáo sư Carmen Hijosa xuất hiện, lá dứa ở Philippines được nông dân gom lại, sau đó xử lý thông qua một quá trình gọi là tách sợi từ phiến lá.  Sau đó, những sợi này sẽ được se lại thành sợi thô và cuộn lại thành cuộn. Tiếp đó chúng được gửi về Tây Ban Nha để hoàn thiện vòng đời của mình. Tại đây, chúng sẽ được phủ một lớp “áo” đặc biệt để có vẻ bề ngoài giống da thật.

Sau đó, những sợi dứa đã qua xử lý sẽ được dùng để dệt nên một loại da gọi là Pinatex. Trung bình, cứ 480 chiếc lá dứa thì dệt được 1m2 loại vải da mà giáo sư Carmen Hijosa đặt tên là Pinatex.

Một mẫu giày và phụ kiện thương hiệu Camper và Ally Capellino sử dụng loại da Pinatex để sản xuất.

Rõ ràng, so với quy trình thuộc để sản xuất da động vật rẻ hơn rất nhiều lần và quan trọng, nó khiến những người ủng hộ việc bảo vệ động vật hài lòng. Vải da Pinatex có thể ứng dụng cho nhiều loại mặt hàng thời trang từ quần áo cho tới giày, bốt, hay thậm chí là đồ nội thất. Theo đánh giá của nhiều thương hiệu thời trang của châu Âu, vật liệu Pinatex rất thoáng khí, mềm mại mà không bị nhăn nhàu. Họ dễ dàng in được màu lên loại vật liệu đó cũng như cắt và may nó thành thành phẩm.

Trong khi đó, phần thừa còn lại của quá trình tách sợi dứa sẽ được ủ để sản xuất loại phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng, hoặc dùng làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất năng lượng sinh học.

Túi xách thời trang từ da Pinatex.

Cho tới nay, rất nhiều nhà thiết kế trên thế giới sử dụng Pinatex để thiết kế các sản phẩm thời trang từ giày cho tới đồng hồ, ví. Hiện, loại da Pinatex đã có những màu thời trang như tím than, nâu, đỏ cam, và màu bạc. Thương hiệu nổi tiếng nhất sử dụng Pinatex là Bourgeois Boheme, một thương hiệu đến từ London.

“Đối với chúng tôi, việc sử dụng Pinatex trong các bộ sưu tập là sự lựa chọn tự nhiên”, Alicia Lai, nhà sáng lập Bourgeois Boheme cho biết. ‘Nó không chỉ mang vẻ đẹp đạo đức: không giết hại động vật, không gây ô nhiễm cho môi trường, mà nó còn giúp chúng tôi thành công khi theo đuổi tiêu chí định nghĩa lại khái niệm về những đôi giày, bốt, dép da mà không phải là da”, nhà sáng lập của thương hiệu Bourgeois Boheme cho biết thêm.

Ngoài Bourgeois Boheme, nhiều thương hiệu khác như Maniwala hay Liselore Frowijn…. cũng sử dụng loại da Pinatex để thiết kế các bộ sưu tập của mình.

Pinatex không phải là công ty duy nhất theo đuổi loại vật liệu thực vật.  MycoWorks, một công ty công nghệ sinh học, cũng đưa ra ý tưởng sử dụng thể sợi (mycelium) – mô của nấm, để sản xuất một loại da mới.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ lại về đồ da động vật và đồ da từ thực vật chính là giải pháp thay thế hiệu quả. Bởi chẳng có gì tuyệt vời hơn những sản phẩm vừa thời trang lại vừa thân thiện với môi trường sống của chính chúng ta.

Hoài Thanh (Theo DW)