Khôi phục nghề cá nhờ trồng đước lọc nước ô nhiễm

Xung quanh những chiếc hồ nuôi cá, anh Vinayak Koli đắp đê bằng đất phù sa rồi trồng cây đước xung quanh làm hàng rào, cùng với những tấm lưới mắt cáo ngăn cách với con sông ô nhiễm Mithi. Theo thời gian, người ta dần nhận ra sự khác biệt của 2 vùng nước: nước trong hồ trong xanh tới mức người ta còn nhìn thấy thành quả lao động của mình trong hồ là từng đàn cá bơi lội tung tăng; trái ngược hẳn với dòng sông chết Mithi lờ lờ phía ngoài.  

Con sông Mithi chảy qua thành phố Mumbai của Ấn độ giờ đây ngập ngụa trong các loại rác thải, chất thải. Trước đó, con sông này từng sở hữu làn nước mát lành, trong suốt như thủy tinh.

Một góc của dòng sông chết Mithi, nơi từng cung cấp nguồn nước sạch và nguồn sống cho nhiều thế hệ cộng đồng dân chài Koli ở Ấn Độ.

“Trước đây dòng sông này khác lắm. Nó trong đến nỗi nếu bạn vứt một đồng xu xuống, bạn thậm chí còn nhìn thấy đồng xu dưới đáy sống cơ”, anh Vinayak Koli, một ngư dân sinh sống ở cửa sông Mithi cho biết.

Dòng sông cung cấp nguồn nước và sinh kế cho biết bao người Koli (một nhóm người sống bằng nghề chài lưới ở cửa sông Mithi) giờ đây đã biến đổi trong sự tiếc nuối đến xót xa của họ.

“Chúng tôi đã sống dựa vào sông này suốt bao thế hệ. Chúng tôi đã đánh cá từ đó và bán đi rồi kiếm tiền sinh sống. Nhưng giờ đây, dòng sông đã ô nhiễm rồi. Chúng tôi chẳng thể kiếm sống dựa vào nó nữa”, anh Vinayak  chia sẻ.


Anh Vinayak Koli học theo tri thức người xưa, trồng đước xung quanh hồ để làm những chiếc máy lọc sinh thái lọc nước cho hồ nuôi cá của mình.

Cùng với nhiều thế hệ đi trước, anh Vinayak Koli và  các thành viên của gia đình mình, những thành viên của nhóm dân tộc Koli, sinh sống và lao động bên 2 bờ nơi cửa sông Mithi - đoạn con sông hòa vào biển Arab ở Mumbai.

Nhưng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, dòng sông này bắt đầu đổi khác.

“Người ta vứt mọi thứ xuống dòng sông Mithi, kể cả rác thải y tế. Nhiều khi họ vứt nhiều rác thải nhựa xuống lòng sông tới mức chúng tôi không thể chèo thuyền qua nữa. Những cành cây mọc xòa xuống lòng sông thì mắc đầy túi ni-lông. Họ không hiểu rằng, cuộc sống của chính họ dựa cả vào dòng sông này. Tôi ước gì họ hiểu được điều này”, anh Vinayak Koli buồn bã chia sẻ.

Và kể từ đó, cá không còn xuất hiện ở con sông này nữa. Thế rồi, cuộc sống của những người dân chài Koli càng lúc càng khó khăn hơn. Đứng trước dòng sông đen kịt vì ô nhiễm, anh Vinayak Koli buộc phải tìm cách tự cứu lấy mình.

Sự khác biệt có thể nhìn thấy bằng mắt thường giữa nước trong hệ thống hồ sinh thái và nước sông Mithi nơi cửa biển.

Học cách của tổ tiên sống dựa vào những cây đước,  đào một chiếc hồ nuôi cá gần bờ sông. Xung quanh những chiếc hồ này anh đắp đê bằng đất phù sa rồi trồng cây đước xung quanh hồ làm hàng rào ngăn cách hồ với Con sông ô nhiễm. Phía ngoài cùng của hàng rào anh gia cố bằng những tấm lưới thép mắt cáo. Nhưng chiếc hồ này lại được thiết kế để nước sông Mithi có thể tràn vào hồ khi thủy triều lên. Do đó, khi con nước lên rác thải nhựa như túi bóng, chai lọ được giữ lại ở phía ngoài hồ. Tại đây, hàng rào bằng cây đước bắt đầu phát huy tác dụng của mình như một hệ thống lọc sinh thái: giữ lại các chất gây ô nhiễm trong những chiếc rễ giống như ngón tay người của chúng và chỉ nước sạch mới có thể chảy ngược vào hồ.


Nghề cá đã trở lại với anh Vinayak.

Theo thời gian, người ta dần nhận ra sự khác biệt của 2 vùng nước: nước trong hồ trong xanh tới mức người ta còn nhìn thấy thành quả lao động của mình trong hồ là từng đàn cá bơi lội tung tăng; trái ngược hẳn với dòng sông chết Mithi lờ lờ phía ngoài.

Học cách làm của  anh Vinayak Koli, cộng đồng dân chài Mithi thi nhau trồng đước nơi cửa sông để làm hệ thống lọc cho những chiếc hồ nuôi cá của họ. Cho tới nay, tức là hơn 20 năm kể từ khi anh Vinayak học theo tri thức của người xưa, cộng đồng người Koli đã đào được 34 chiếc hồ nuôi cá như vậy. Ngoài cá, họ còn nuôi thêm tôm panđa, cá catla và cua. Nhờ đó, nghề chài lưới của họ dần được khôi phục.

Hệ thống hồ nuôi cá đặc biệt của người Koli nằm cách xa khu vực dân cư đông đúc ở Mumbai và các ngư dân chỉ có thể tiếp cận hồ bằng cách chèo thuyền len lỏi trên các con rạch. Cách một ngày, ngư dân Koli lại chèo thuyền tới thăm hệ thống ao sinh thái của mình.

Mặc dù đã nối lại được nghề cá của tổ tiên, nhưng những ngư dân như anh Vinayak chưa bao giờ cảm thấy yên tâm: “Mỗi khi chèo thuyền trên sông hay những con lạch này, tôi vẫn đau lòng khi nhìn thấy rác rưởi ở đây. Nếu người dân không thay đổi, và nếu chính quyền không có hành động nào, thì cuối cùng hệ thống hồ sinh thái của chúng tôi cũng chẳng thể sạch được mãi. Chúng tôi sẽ mất tất cả những gì mà tổ tiên đã truyền lại”, anh Vinayak Koli nói.

Hoài Thanh (Theo DW)