Người đàn ông dành hơn 30 năm cuộc đời trồng rừng, cứu động vật

Jadav Payeng, còn được gọi là Người Rừng Ấn Độ, đã dành hơn 30 năm để trồng khu rừng trồng rộng 550 hecta, và nhờ nỗ lực này, các loài động vật hoang dã đã trở lại nơi này.

Trồng rừng để cứu động vật

Jadav Payeng là một nhà hoạt động vì môi trường truyền được rất nhiều cảm hứng cho người khác. Ông đã tự tay mình biến một khu đất trống bỏ hoang thành một khu bảo tồn thiên nhiên. Ông đã bắt đầu trồng khu rừng 550 hecta vào năm 1979 khi mới chỉ 16 tuổi. Jadav Payeng là một nông dân bình thường từ một bộ lạc sống khá cách biệt với xã hội thuộc vùng Assam, Ấn Độ. Ông là con trai của một người buôn trâu nghèo.

Vì muốn cứu những con rắn bị chết khô, Jadav Payeng đã trồng rất nhiều cây xanh.

Khi chứng kiến những con rắn bị chết khô trên cát do nhiệt độ cao và không có các bóng cây để trú ngụ, ông đã nảy sinh ý tưởng trồng cây để cứu lấy những con rắn này, và từ đó ông đã dành hơn 30 năm cuộc đời để cứu lấy hòn đảo Majuli khỏi bị sói mòn bằng cách trồng hàng ngàn cây xanh.

Khu bảo tồn Mulai là một khu rừng trên hòn đảo Majuli nằm giữa dòng sông Brahmaputra, thuộc quận Jorhat, ở Assam, Ấn Độ. Hòn đảo này có tổng diện tích khoảng 1.000 hecta và liên tục bị đe dọa thu hẹp do tình trạng sói mòn nghiêm trọng.

Trong hơn 70 năm qua, hòn đảo này đã bị thu hẹp một nửa diện tích do tình trạng sói mòn. Nhiều người lo ngại rằng chỉ trong vòng 20 năm nữa, hòn đảo này sẽ hoàn toàn biến mất. Để giải quyết vấn đề này, năm 1980, Phòng Lâm nghiệp Assam, quận Golaghat đã bắt đầu thực hiện một kế hoạch nhằm tái trồng 200 hecta rừng trên doi cát thuộc sông Brahmaputra.

Khu rừng Molai do ông Jadav Payeng trồng có diện tích lớn hơn Công viên Trung tâm tại Thành phố New York, Mỹ.

Tuy nhiên, chương trình này đã bị từ bỏ vào năm 1983. Trong hơn 30 năm tiếp theo, khu rừng này đã được một tay ông Jadav Payeng trồng lại. Đầu tiên là ông trồng tre, sau đó ông tiếp tục trồng nhiều loại cây khác. Ông đã trồng và chăm sóc các cây dọc theo doi cát trên hòn đảo Majuli - hòn đảo trên sông lớn nhất thế giới. Khu rừng Molai hiện nay có diện tích khoảng 550 hecta, tương đương với 15 sân bóng đá hiện đại, rộng hơn cả Công viên Trung tâm ở thành phố New York.

“Dựng nhà” cho động vật hoang dã

Nhờ công sức phi thường của ông Jadav Payeng, khu rừng Molai hiện nay là nơi trú ngụ cho rất nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như: hổ Bengal, tê giác Ấn Độ, nhiều loài bò sát và hơn 100 con hươu, nai, rất nhiều thỏ, khỉ và nhiều loài chim khác nhau, trong đó có một lượng lớn chim kền kền.

Khu rừng Molai do ông Jadav Payeng trồng có diện tích lớn hơn Công viên Trung tâm tại Thành phố New York, Mỹ.

Bên cạnh các loài động vật, Molai cũng là khu rừng có mật độ cây cối dày đặc, điển hình là các loài cây chiêu liêu, bằng lăng nước, phượng đỏ, sống rắn dài, và nhiều loài thực vật khác. Riêng tre đã chiếm khoảng hơn 300 hecta khu rừng.

Chính quyền Ấn Độ chỉ biết được khu rừng do ông Jadav trồng vào năm 2008 khi một đàn voi hoang dã khoảng 100 con đi lạc vào khu rừng. Kể từ thời điểm đó, đàn voi này đều đặn đến khu rừng của ông Jadav mỗi năm và thường ở lại khu rừng khoảng 6 tháng, thậm chí những con voi hoang dã này đã sinh được 10 voi con trong khu rừng.

Ông Jadav Payeng trong khu rừng do Mình tự trồng.

Để ghi nhận những đóng góp của ông, khu rừng Molai được đặt theo tên của ông Padma Shri Jadav “Molai” Payeng.

Khu rừng Molai và ông Jadav Payeng cũng là chủ đề cho rất nhiều bộ phim tài liệu, giành được các giải thưởng lớn và đã được viết thành sách. Thậm chí, bộ phim tài liệu Forest Man nói về ông Jadav Payeng của nhà làm phim William Douglas McMaster đã được tham gia Liên hoan phim Cannes năm 2014.

Phước Anh (Theo Interestingengineering)