Công nghệ chế biến điều “made by” kỹ sư làng

Những năm gần đây, công nghệ chế biến hạt điều trong tỉnh đã có bước tiến dài. Máy móc và công nghệ không còn sản xuất đơn lẻ mà tạo thành những dây chuyền khép kín có tính tự động cao. Đặc biệt, đa số máy móc hiện đại tại cơ sở đều được sản xuất bởi những “kỹ sư chân đất”.

Anh Trần Hoàng Minh (thứ 2 từ trái qua) ở phường Thác Mơ, TX. Phước Long giới thiệu dây chuyền sản xuất tự động do công ty chế tạo.

Anh Trần Hoàng Minh (thứ 2 từ trái qua) ở phường Thác Mơ, TX. Phước Long giới thiệu dây chuyền sản xuất tự động do công ty chế tạo.

Trong khuôn viên khép kín 5.000m2 được anh Trần Hoàng Minh (37 tuổi) ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long bố trí bài bản, một bên là cơ sở hàn tiện, một bên là dây chuyền sản xuất và chế biến điều tự động. Ở khu nhà xưởng ngổn ngang sắt thép, âm thanh của các loại máy liên tục hoạt động pha lẫn mùi khói hàn, tiếng khoan đục không ngớt khiến câu chuyện anh Minh kể càng say mê, hấp dẫn. Anh có thể thuyết minh hàng giờ, thậm chí cả ngày về những chiếc máy chuẩn bị ra “lò” vì trong anh luôn có niềm đam mê đặc biệt về cơ khí chế tạo máy.

THÀNH CÔNG NHỜ ĐÓN ĐẦU XU HƯỚNG

Anh Minh cho biết: “Tôi đam mê các loại máy móc từ nhỏ nên thi vào Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành chế tạo máy. Tốt nghiệp, tôi về mở tiệm cơ khí nhỏ tại nhà. Sinh ra và lớn lên ở xứ trồng điều, lại ở “cái nôi” sản xuất, chế biến điều nên tôi nhận thấy, để chế biến từ hạt điều thô thành hạt điều thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi công đoạn phải sử dụng nhân công làm thủ công hoặc vận hành thiết bị bán tự động, mất nhiều thời gian, công sức, nhiên liệu, nhưng năng suất không cao, chưa kể khâu vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo”.

Sau khi tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều để nắm bắt nhu cầu sử dụng, anh Minh tự lên ý tưởng, mày mò với các loại bản vẽ, sơ đồ. Hầu hết các phụ tùng, vật tư cần thiết để lắp ráp hoàn thiện dây chuyền sản xuất đều thiếu trước hụt sau, anh phải đi khắp nơi tìm mua nguyên liệu, sau đó đem đi đúc hình mẫu và bắt đầu chế tạo. Anh Minh cho rằng, muốn sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, ngoài chất lượng còn phải đáp ứng yêu cầu của thực tế. Anh tuy không phải là người tiên phong trong lĩnh vực này, nhưng chính yêu cầu đặt ra với ngành điều của tỉnh về tiêu chuẩn điều sạch đã thôi thúc anh nghiên cứu chế tạo thành công dây chuyền sản xuất, chế biến điều tự động.

Thành công đầu tiên của anh Minh là máy bóc vỏ lụa hạt điều ra đời năm 2006, nhưng đây mới chỉ là chiếc máy sơ khai về nguyên lý. Phải mất thêm 2 năm thử nghiệm, khắc phục khuyết điểm qua quá trình vận hành tại một số nhà xưởng, cuối cùng máy bóc vỏ lụa hạt điều trở thành một trong những máy đầu tiên được chế tạo thành công từ đôi tay của người kỹ sư đam mê sáng tạo này. Thiết bị do anh chế tạo đưa công đoạn bóc vỏ lụa hạt điều sang hướng tự động, làm thay đổi diện mạo công nghệ chế biến hạt điều của huyện Phước Long lúc bấy giờ.

Dây chuyền sản xuất điều tự động do anh Trần Hoàng Minh chế tạo chỉ sử dụng khoảng 20 nhân công, giảm 70% nhân công so với dây chuyền bán tự động.

Dây chuyền sản xuất điều tự động do anh Trần Hoàng Minh chế tạo chỉ sử dụng khoảng 20 nhân công, giảm 70% nhân công so với dây chuyền bán tự động.

“Thời điểm đó, ở Phước Long, hệ thống máy chẻ, bóc vỏ lụa hạt điều đa phần phải mua từ các công ty với giá rất cao. Mặt khác, trong tình hình thiếu hụt lao động, cạnh tranh lao động giữa ngành chế biến điều với các ngành khác đang rất khốc liệt. Máy sản xuất tự động không chỉ giải quyết được khâu nhân công mà còn cho ra sản phẩm sạch, an toàn. Máy bóc vỏ lụa không phải là quá mới, nhưng nhờ tính ưu việt, tốc độ nhanh nên tôi ra giá 350 triệu đồng/máy, người mua vẫn chấp nhận” - anh Minh chia sẻ.

Thành công từ sản phẩm đầu tay, anh Minh đã mạnh dạn mở Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ Thành Phát và mời nhiều kỹ sư trẻ có tâm huyết cùng tập trung nghiên cứu, chế tạo máy phục vụ ngành điều của tỉnh. Hiện anh và cộng sự đã chế tạo thành công dây chuyền sản xuất, chế biến điều tự động, gồm: Máy bóc vỏ lụa, máy phân cỡ, máy nén khí, máy sàng hạt điều thô, nồi hơi, máy chẻ hạt điều, máy đóng gói, lò sấy. Chỉ máy bắn màu, anh vẫn phải nhập từ nước ngoài về lắp ráp. “Trong tất cả loại máy, tôi tâm đắc nhất máy bóc vỏ lụa hạt điều vì thay thế gần như hoàn toàn nhân công. Sản phẩm được doanh nghiệp chế biến điều trong tỉnh đánh giá cao về năng suất và chất lượng sản phẩm, vì bóc sạch vỏ, tỷ lệ bể nhân thấp, máy chạy êm, ổn định, giá thành rẻ, phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ” - anh Minh nói.

HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT CHUYÊN NGHIỆP

Chế tạo thành công dây chuyền chế biến điều tự động, anh Minh không vội bán ra thị trường mà quyết định xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống điện 3 pha áp dụng toàn bộ máy móc vào chế biến điều khép kín. Với dây chuyền tự động cho công suất 2 tấn hạt điều thô/giờ (trung bình khoảng 4.800 tấn hạt điều thô hay tương đương 1.600 tấn điều nhân/năm) cũng chỉ sử dụng khoảng 20 công nhân, giảm 70% nhân công so với các loại máy móc cũ.

Anh Minh cho biết thêm: Chi phí làm ra một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh dao động từ 10-25 tỷ đồng tùy công suất. Đến nay, công ty đã cung cấp ra thị trường 6 dây chuyền và nhận được nhiều phản hồi tốt từ khách hàng. Khách hàng chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Hiện dây chuyền đã hoàn thiện khoảng 98% các thông số kỹ thuật. Trong quá trình vận hành, máy có bất kỳ trục trặc gì, công ty sẽ có người đến tận nơi hướng dẫn, khắc phục sự cố.

Nhằm thay thế dây chuyền sản xuất hạt điều bán tự động bằng dây chuyền sản xuất tự động để tăng công suất, tiết kiệm thời gian, nguyên liệu, đảm bảo vệ sinh trong khâu chế biến, dây chuyền máy chế biến điều tự động của anh Minh được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh chọn làm điểm thực hiện đề án khuyến công quốc gia năm 2019. Ông Vũ Duy Khiên, Giám đốc trung tâm cho biết: Dây chuyền do anh Minh chế tạo đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất, chế biến điều. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh tự thiết kế, sản xuất, phân phối các loại máy, thiết bị và linh kiện phụ trợ phục vụ ngành điều, mở ra cơ hội mới cho ngành điều nói chung và điều Bình Phước nói riêng. Qua đó, khuyến khích các cơ sở trong tỉnh mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nước ngoài.

Để không bị “sao chép” bản quyền, ngoài dành thời gian cải tiến kỹ thuật, anh Minh đang hoàn thiện các thủ tục để đăng ký bản quyền sản phẩm. Đây là bước đệm vững chắc để anh tiếp tục có những sáng chế trong tương lai.


Năm 2014, anh Minh đưa máy bóc vỏ lụa hạt điều đăng ký tham dự hội thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh do Sở Công Thương tổ chức. Sản phẩm vinh dự được chọn dự thi cấp khu vực phía Nam và Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công Thương tiếp tục bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Nối tiếp thành công đó, năm 2015, máy bóc vỏ lụa hạt điều của công ty là một trong 4 sản phẩm được Cục Công nghiệp địa phương chọn tham dự sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và lọt vào tốp 100 sản phẩm được Bộ Công Thương bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Theo Ngân Hà (Báo Bình Phước)