Sinh viên thiết kế bộ điều khiển hỗ trợ người bại não tiếp cận công nghệ

Cô Jess Searle, 25 tuổi, người Anh, mắc một dạng bại não khiến cô gặp khó khăn trong việc thao tác các thiết bị cầm tay hoặc máy chơi game. Thương chị gái, Billy Searle em trai của cô đã chế tạo một loạt thiết bị điều khiển, có hình dạng quả cầu, nhằm hỗ trợ những người bị khuyết tật thao tác công nghệ dễ dàng hơn.

Cô Jess Searle, 25 tuổi, người Anh, mắc một dạng bại não khiến cô gặp khó khăn trong việc thao tác các thiết bị cầm tay hoặc máy chơi game: “Chứng bệnh khiến tôi không có hứng thú với công nghệ, vì tôi quá chật vật (để điều khiển) chúng”.

Quả cầu Mylo do Billy Searle chế tạo.

Căn bệnh đã khiến cô trở nên chán ghét với các thiết bị di động. Cô gái trẻ cũng thú nhận, đã tìm những cách khác để liên lạc với mọi người thay vì dựa vào smartphone hoặc máy tính bảng.

Trước tình trạng của chị gái, Billy Searle, sinh viên năm cuối của Trường Thiết kế Loughborough, đã chế tạo một loạt thiết bị điều khiển, có hình dạng quả cầu, nhằm hỗ trợ những người bị khuyết tật thao tác công nghệ dễ dàng hơn.

Billy đặt tên cho nó là “Mylo”, theo tên sự kiện đi bộ 1,6 km mà chị gái Jess đã tham gia vào năm 2016.

Hai chị em nhà Searle với quả cầu điều khiển Mylo

Về mặt cấu tạo, Mylo, được lắp ráp từ máy in 3D, kết nối với smartphone hoặc máy tính bảng thông qua Bluetooth, và được trang bị nhiều cảm biến. Billy đã lập trình một vài khái niệm game cho phép những người như chị gái Jess tập luyện sức mạnh cơ bắp, như thao tác xoay nắm cửa hoặc mở nắp lọ.

“Thiết bị này được kết nối với iPad và iPhone bằng cách nhấn chiếc nút trên thân của thiết bị và nó sẽ tự động nối với Ipad hay Iphone thông qua cổng Bluetooth. Trên quả cầu Mylo có 5 nút ấn: 1 nút trên đỉnh và 4 nút xung quanh thân. Mỗi nút sẽ sáng một màu biểu thị cho một trò chơi mà bạn muốn chơi trên Ipad. Ngoài việc ấn một cách cơ học, bạn cũng có thể điều khiển những nút này bằng giọng nói hay bằng cách xoay hoặc lắc quả cầu. Các cảm biến bên trong quả cầu Mylo sẽ hiểu được mệnh lệnh của người dùng” – Nhà phát minh trẻ tuổi Billy Searle giải thích về cách sử dụng bộ điều khiển Mylo.

Ngoài ra, Billy còn lập trình một vài khái niệm game cho phép những người như chị gái Jess tập luyện sức mạnh cơ bắp, như thao tác xoay nắm cửa hoặc mở nắp lọ.

Điều này khiến chị gái của Billy hết sức bất ngờ và hạnh phúc. Từ đó, giúp cô không còn chán ghét công nghệ nữa.

Jess Searle, chị gái của Billy chia sẻ: “Bây giờ tôi không còn cảm thấy bất lực trước công nghệ nữa bởi vì tôi đang dần điều khiển được chúng. Tôi tin chắc rằng, những người mắc bệnh như tôi sẽ bị thuyết phục bởi sự hiệu quả của quả cầu Mylo”.

Hiện Billy Searle đang tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng để giúp cậu có thể hoàn thiện sản phẩm của mình để từ đó sản xuất quả cầu Mylo ở quy mô thương mại. Jess Searle hy vọng một ngày không xa, bộ điều khiển có thể giúp người gặp khó khăn trong thao tác và vận động có thể lướt điện thoại, chơi game, đồng thời hỗ trợ phát triển cơ bắp và chuyển động.



Hoài Thanh (Theo Reuters)